Thứ Năm, 24 tháng 7, 2008

25.8. 2008

Viết theo yêu cầu của VÕ THỊ QUỲNH:
THƯ PHÁP
HOÀNG TẤN TRUNG


Làng văn vật Câu Nhi xã Hải Tân, huyện Hải Lăng đã sản sinh nhiều tài năng. Tiến sĩ Bùi Dục Tài đã khai khoa vào năm 1502 là ông Nghè đầu tiên của xứ Đàng trong, tiếp theo đó là hàng loạt ông Tú, ông Cử, các quan Thượng Thư... liên tiếp xuất hiện qua các triều đại. Đương đại có nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ VH-TT, Phó Chủ tịch thường trực toàn quốc Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt nam và nhiều người khác.
Hoàng Tấn Trung sống trong “nôi làng” đó và bộc lộ nhiều tài năng. Được học đến nơi đến chốn, hiện anh giữ cương vị Trưởng phòng kinh tế- đối ngoại Sở KH đầu tư Quảng Trị, phó giám đốc dự án ADB. Ngoài công tác quản lý, anh còn làm thơ. Thi thoảng trên các báo Quảng Trị, tạp chí Cửa Việt và một số báo khác, ta bắt gặp tác giả với những bài thơ trữ tình. Các đêm thơ, ngày thơ, anh có chất giọng “ thơ quãng trường” có sức lôi cuốn khán thính giả. Bạn bè quen thân anh, công nhận anh có một trí nhớ tốt “chuyện trào kim cổ Đông Tây”.
Đặc biệt những năm gần đây, anh đã liên tục “xuất xưởng” những bức thư pháp chữ Hán và chữ Việt có ấn tượng. Số lượng lên đến hàng ngàn. Mỗi “bức tranh chữ” đều có phong cách riêng, đường nét riêng, khó lẫn ai khác.
Thư pháp Hoàng Tấn Trung khác với thư pháp Thanh Hoàng Khê ( Hà Nội), Nguyễn Thanh Sơn ( Sài Gòn), Sư Phước Thành, Sư Minh Đức, Triều Tâm Ảnh, Nguyệt Đình, Hải Trung ở Huế.
Theo anh, anh đã khổ luyện nhiều năm nay với ba mục đích: “giải trí, luyện tâm và tải đạo” và anh đã thử nghiệm thành công viết thư pháp trên gỗ, xốp, lụa, gạch hoa, giấy dó... đi đâu, đến đâu, anh cố tìm bằng được các chất liệu “đậm đà bản sắc dân tộc” để thể hiện tác phẩm của mình. Ra Bắc công tác, anh tìm về làng Đông Hồ mua giấy dó đặc chủng...
Cuối năm Nhâm ngọ, anh đã tổ chức triển lãm “thư-pháp-vườn” trong một quần thể tự nhiên có cây, có hoa, có sinh cảnh và vật cảnh. Thư pháp của anh cũng đã phục vụ khách thưởng ngoạn trong phiên chợ Đình Bích La ( mồng 4 tết âm lịch năm nay); ngày thơ Việt Nam tại khu di tích Thành Cổ Quảng Trị; lễ hội đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đình làng Câu Nhi quê anh mới đây. Đặc biệt các tác phẩm thư pháp của anh đã đi vào lòng mến mộ của bè bạn và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngoài những câu danh ngôn, những bài thơ, tứ thơ hay... của các danh nhân, anh còn khắc hoạ chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Tuệ... để “ tải đạo” đó chăng?
“Tầm chương trích cú”, tôi biết Vương Hy Chi- nhà thư pháp Trung Quốc luyện bút liên tục trong mười lăm năm, cháu ông, Vương Thiền Sư đã khổ luyện trong 40 năm. Trương Chi mỗi lần tập viết xong, rửa bút xuống ao, lâu ngày nước ao đen như mực, nhà nghèo, phải luyện viết chữ trên lá chuối. Nhờ thế nét bút ông phóng túng, phiệu đạt, mảnh mai thần điệu...
Hoàng Tấn Trung của Quảng Trị chúng ta hôm nay đã thổi hồn mình vào các bức tranh chữ tài hoa, đã góp thêm cho văn hoá làng, văn hoá vật thể tỉnh nhà những nét xuân sắc, phóng khoáng đến lạ lùng.
Tôi hy vọng “người đam mê thư pháp” ( một phóng sự của đài PTTH Quảng Trị nói về Hoàng Tấn Trung, phát vào sáng mồng 2 tết Quí Mùi ),
“ tiếp tục dụng công thư pháp
Chút gì phượng múa rồng bay!
Chút gì hào hoa phong nhã
Kẻ sĩ bây giờ lên tay”.
VÕ VĂN HOA

4 nhận xét:

  1. em la Ly Bich Nguyet, chuc thay co mot mua he vui ve..va luon co cam hung sang tac ra nhung trang tho doi bat hu!!

    Trả lờiXóa
  2. @ LY BICH NGUYET: Cảm ơn em. Chúc em học kỳ 3 vui vẻ và gặp nhiều may mắn trong đời.Ở Tp Đồng Hới vui lắm phải không?

    Trả lờiXóa
  3. @ LBN:Cảm ơn em! Cô giáo tiếng Anh...

    Trả lờiXóa
  4. ở nơi nào cũng có những niềm vui nho nhỏ thầy àh. Một ngày vui là một ngày được ngắm bình minh và thưởng thức một chút nhạc, một chút cà fê đắng, chúc thầy cũng như thế!!!bibi

    Trả lờiXóa