Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

17.7. 2008

ĐỌC THƠ VÕ VĂN HOA

“ CÒN TA VỚI MÌNH”

( NXB Thanh Niên – 2004)

Phùng Ngọc Diễn

Nhà giáo Võ Văn Hoa năm nay tròn 50 tuổi. Anh đã có gần 30 năm trong ngành giáo dục. Con người cao cao, mảnh dẻ da trắng trẻo “ thư sinh” như thế lại sinh ra trên một vùng Hải Lăng (Quảng Trị) với thiên nhiên khắc nghiệt, với sự tàn phá của hai kẻ xâm lược là giặc Pháp và giặc Mỹ. Anh đã viết:

Em có về huyện trũng quê anh

Những bước chân non vương bùn đến lớp

Những cuốn vở nghĩa tình, những mái che tôn lợp

Bài giảng hôm nay sâu thẳm “Nhiểu điều...”

Rồi:

Em có về huyện trũng quê anh

Phú, Thượng, Lệ, Quy, Tân, Vĩnh, Thiện, Thành...

Như năm xưa từng lớp Người ra trận

Thức dậy những mầm xanh

( Huyện Trũng, 1999)

Vùng quê ấy mãi trường tồn vì từ gia đình, người cha đã gánh chịu tất cả để lo cho con học hành.

Thời gian khó, nhà đong từng bữa gạo

Nếp gia phong từ mủi chỉ đường kim

Bố răn dạy học văn, học lễ

Để mai sau con mãi kiếm tìm.

(Bố, 1997)

Anh chiêm nghiệm từ trong gia đình đến cả quê hương Quảng Trị, con người luôn tự hào về những hiền tài của quê mình.

Bên này sông Ôlâu

Tôi lần dở “ Quốc triều đăng khoa lục”

Làng An Thư là đây toàn kẻ hiền tài.

Quan dân đều tôn vinh sự học

(Bên này sông Ôlâu)

Nhờ “tôn vinh sự học” mà Hải Lăng cũng như tỉnh Quảng Trị từ xưa đến nay có nhiều bậc Đại khoa, có nhiều chí sĩ và dũng tướng xứng danh là vùng “Địa linh nhân kiệt” để “Rực rỡ hôm nay hoa với cờ sao, vàng huân chương lấp lánh”.

Nhiều bài thơ của anh là những điều trăn trở với cuộc sống đang nhiều gian nan, bất trắc. Song anh luôn tìm thấy con đường sáng khi con người nhận ra sức mạnh của mình không chỉ chiến đấu ngoan cường với thiên nhiên khắc nghiệt hay bọn xâm lược hung hãn mà mỗi người tự vươn lên bằng sự học. Học để sống, để hòa nhập cùng cộng đồng và để cống hiến cho quê hương mình, dân tộc mình. Từ những tự sự bộc bạch, anh cảm xúc về những điều cũ - mới đan xen trong sự đổi đời thời hiện đại.

Làng quạt cổ truyền giờ xóa sổ

Thương bàn tay mẹ quạt năm xưa.

... Chuyện ngày xưa... rồi sẽ thành cổ tích

Vẫn mát lòng ta tự làng quạt xa xôi.

(Làng quạt, 1997)

Những cái quạt nan, quạt mo cau, quạt giấy rồi có thể không còn trong tương lai khi mà điện khí hóa đã luồn sâu vào các vùng nông thôn. Nhưng “Cọng rơm vàng” sẽ còn mãi mãi với con người và trái đất. Anh nói về vùng quê mình mà mượn hình ảnh “Biển lúa vàng mênh mông, chiền chiện, dế mèn ngân lên khúc hát”.

Anh thương từng cọng rơm

Ủ anh mùa động biển

Anh thương từng bát cơm

Mẹ độn nhiều khoai sắn.

Anh tâm sự:

Anh về thăm nhà

Muốn con và em ôn từng kỷ niệm

Thời mẹ đẻ cha sinh, thời hàn vi lận đận

Ta lớn lên từ cọng rơm vàng.

(Cọng rơm vàng – 2003)

Đất Quảng Trị đánh vật với trời với biển với biết bao mồ hôi mặn chát, những hy sinh mất mát trong chiến tranh còn nặng nề hơn nhiều như năm 1972, biết bao chiến sĩ giải phóng quân tay súng tay thủ pháo vật lộn với giặc Mỹ và Ngụy để giữ Thành cổ hàng tháng trời. Giờ đây ai qua Thành cổ Quảng Trị xin hãy thắp nén hương tưởng niệm:

... “Thị xã vẫn trắng ngổn ngang và cỏ lau chưa mọc. Để rồi ngày chiến thắng 30/4. Để rồi 5 năm, 10 năm, 20 năm sau...đồng đội, nhân dân vẫn tiếp tục gặp lại các anh. Từ sâu lòng đất, từ dưới chiến hào”.

(Thơ văn xuôi, Vĩ Thanh Thành Cổ - 1997)

Đề tài thơ của Võ Văn Hoa trải dài trên bước đi của anh, từ Đà Lạt mây trắng đến Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội hay Hạ Long – di sản văn hóa, anh đều có cảm xúc sâu lắng, nhẹ nhàng và thủ thỉ tâm sự cùng với mảnh đất đó. Song, nhiều bài thơ của anh nói lên cái tạng của nghề nghiệp Nhà giáo là nhiều hơn cả “Chỉ trái tim mới biết, sóng sân trường chao nghiêng”. Đến làng Tiên Điều (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) anh tưởng niệm mảnh đất sinh ra đại thi hào Nguyễn Du:

“Tế Hanh có “Bài học nhỏ về nhà thơ lớn”. Chuyện hôm nay có khác hơn, trẻ em ở đầu làng đã đọc thuộc Kiều, đương nhiên, còn chỉ tường tận cho tôi đường về mộ Nguyễn.

Tiên Điền tôi qua, chỉ mới lần đầu thôi. Những người giảng dạy lâu năm trong tôi sẽ nhập thần hơn từ buổi sớm mai này.

(Thơ văn xuôi, Tiên Điền)

Anh có những câu thơ hay về tình bạn, tình yêu trai gái, về gia đình ham học, ham làm của mình. Khi đưa con vào Đại học, anh nói với con:

Ba như chiếc phao cầu

Chuyển giao hành trình năm tháng

Tình yêu trong Ba lai láng

Niềm vui ánh lửa đường dài

(Bài thơ cho con – 1991)

Anh có những câu thơ “kết tinh” được ngôn ngữ đa chiều rộng mở suy luận về hình tượng của vật thể:

Vôi trắng nghìn năm lời ước hẹn

Đỏ au cổ tích chẳng nhòa phai

Chợ Cầu giao cảm cùng sông núi

Viên mãn cho người một sớm mai.

(Chợ Cầu Gio Linh – 1996)

Hoặc, đứng trước Khuê Văn Các (Hà Nội):

Văn hiến ngàn năm ấy

Thơ đội mũ cánh chuồn

Bia Nghè ơi có thấy

Hội Tao Đàn trăng buông

(Trước gác Khuê Văn)

Đặc biệt khi viết về nơi sinh ra anh – Làng Võ Xá, Thi Ông, anh đã cảm xúc mạnh mẽ như phát hiện ra những điều lạ ở quê anh:

Cúi nhặt từng cuống rạ

Thơm nồng hương đất đai

Tôi tìm tôi trong ai

...Tôi đi tìm chính tôi

Ngọn nguồn sâu thẳm nhất.

(Đi tìm làng Võ Xá – 1995)

Nước ta có gần một triệu giáo chức và khá nhiều nhà giáo làm thơ và không ít người làm thơ hay. Trên thi đàn của Huyện, của Tỉnh và các thành phố lớn, các nhà giáo tham gia khá đông đúc. Ở Quảng Trị cũng như Quảng Bình và Thừa Thiên Huế cũng như vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh, tôi đã đọc nhiều bài thơ, tập thơ của các nhà giáo trẻ, nhà giáo già. Họ viết về “nhân tình thế thái”, về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống quanh ta, nhất là những kỷ niệm của cuộc đời đã trải nghiệm. Thơ “ký ức” là sự đậm nét của thơ Võ Văn Hoa. Viết thể loại này tùy thuộc vào tâm trạng của mỗi người. Nhưng viết hay và được độc giả cùng chia sẽ đồng tình, đồng thuận không dễ dàng gì. Ở Võ Văn Hoa, tôi đã thấy anh trải dài ký ức của vài chục năm lăn lộn với nghề, với người. Có điều anh viết ra đậm đà suôn sẻ, nhưng cũng có nhũng điều nói thì dễ, viết ra rất khó và nó lại trói buộc khi cảm xúc dâng trào, nhưng ngôn ngữ lại chưa đáp ứng được trong “kho tự có” của mình, đành phải chọn cái sự dễ dãi để tạm bằng lòng với nó.

Làm sao mà thơ cứ tự nhiên mà vẫn hàm súc, vẫn nâng hồn mình, hồn người lên một chút, dù một chút thôi cũng đã thành công lắm rồi.

Tôi cám ơn đất Hải Lăng có một nhà giáo, nhà quản lý GD đang trở thành nhà thơ. Nếu tiếp tục “chuyên nghiệp” hơn anh sẽ có những “Cọng rơm vàng” nặng trĩu hạt lúa thơm.

Phùng Ngọc Diễn

(31/2 Phan Đình Giót- Thanh Xuân – Hà Nội)

(Bài đã in trong tập Truyện ngắn và Tản văn – Phùng Ngọc Diễn, NXB Văn hóa dân tộc – 2005 và trên tạp chí Cửa Việt 2004)

2 nhận xét:

  1. Cúi nhặt từng cuống rạ, thơm nồng hương đất đai,thơm từ thời cổ tích, thơm hoài vào tương lai

    Trả lờiXóa
  2. @ anh NKP:
    Thơ hay phải có thêm VĨ THANH càng hay hơn phải không anh ?

    Trả lờiXóa