Em cam on anh da dua bai binh tho Tran Dang Khoa cua em len bloc cua anh.
Lan nay, nhu da hua voi anh, em gui anh bai viet: "Cay tho tre Vo Van Luyen" viet luc ong Luyen chua thanh danh, nhung bai viet nay da du cam va du bao rat som con duong Tho cua thi si Luyen (trong bai viet nay co trich dan ca nhung cau tho cua thi si Luyen cho den nay van chua he dang tai tren sach bao nao).
Kinh chuc anh manh khoe, van hanh!
Da ta
Em
Nguyen Hoan
@ NGUYỄN HOÀN. Cảm ơn em rất nhiều. Cho phép anh chuyển tải bài này của em đã viết từ 17 năm về trước nhé!
Cây thơ trẻ Võ Văn Luyến
NGUYỄN HOÀN
Cứ mỗi lần cây bút thơ trẻ Võ Văn Luyến run lên dưới vòm ngực hao khuyết mà luôn đập bất thường ngỏ cùng thiên hạ những xốn xang, những cơn nhói của tim anh là mỗi lần anh chạm trúng miền tâm linh của tôi, khiến tôi được thêm một lần phát hiện ra tuyên ngôn thơ gạo cội của anh:
Mưa nắng cuộc đời tai bay vạ gió
Ta vẫn hát bài yêu thương trăm năm
(Trầm khúc)
Hình như Luyến sinh ra là để tự thú với thơ về những mong manh, phấp phỏng, xao xuyến cứ quấn lấy kiếp người đến dai dẳng trong trường tình. Nói thế, xin ai đừng tưởng rằng Nàng Thơ của Luyến gầy guộc đi vì thiếu những vần hoan ca. Dưới đôi mắt thiên thanh của Luyến ngày trai trẻ, những tình nhân muôn thuở vẫn hằng hân hoan mượn những câu hát mẹ ru, câu lý chiều chiều bắc cầu cho hò hẹn. Đáng mừng hơn cho những tình nhân này nữa là nhờ Luyến mà còn được giao duyên theo lối bắc cầu dải yếm, lối giao duyên mang sắc màu ca dao cứ ngỡ là đã một đi không trở lại. Nhưng dòng đời biến dịch, Luyến không ở lâu với chiếc cầu ấy được. Đúng là “Rằng quen mất nết đi rồi” (Nguyễn Du), Luyến quen trầm tưởng, hoài niệm về những chân trời ái ân xưa cũ nhiều đắng đót, xót xa, nhiều tơ trời dạt bay, nhiều thương đau trắng tóc, nhiều dấu chân đi lạc của anh. Thơ buồn chưa hẳn đã là hay nhưng thơ hay thường buồn, cái tín điều mà nhiều thi sĩ hằng theo này có thể được kiểm chứng lại bằng thơ Luyến. Được vậy là một cơ may cho thơ chứ sao! May hơn nữa là anh đã biết để cho những câu Kiều ám ảnh đến mức nhập đồng vào tâm can mình, khiến cho thơ anh có được những nỗi niềm vang ngân:
Niềm đau chín trái còn lưa
Bao giờ cho đến bây giờ riêng mang
(Lời xưa)
May hơn nữa là anh đã biết gợi thức được một tín điều mà Bô-đơ-le (thi sĩ Pháp) chủ xướng, rằng: mùi hương, màu sắc và âm thanh tương giao cùng nhau về hội nhập trong cõi nhớ heo hút của mình để được an ủi:
Nhớ hôm qua nụ cười còn biết tím
Cho nhau nghe dịu ngọt trái mơ hồng
(Đầy vơi)
hay
Mưa gõ tím con đường em tới lớp
(Cái nhìn, quà tặng)
Luyến vẫn hằng xem việc mình để lòng nặng neo về chân trời cũ là một thiên chức buồn thương chỉ dành cho riêng ký ức anh mang vác mà thôi, chứ không phải mang đổ thừa cho ai khác. Thành ra, dễ hiểu vì sao con người vốn dĩ nặng nợ với tiền sử lại nhủ người khác đầy bao dung rằng:
Đừng nói chi tiền sử
Em hãy cứ bắt đầu
Nỗi niềm dù đau khổ
Hận tình rồi qua mau
(Tiền sử)
Đừng tưởng anh cao đạo nhủ suông ai đâu. Đúng ra là anh đang muốn tìm một lời nhắn đồng điệu. Chấp nhận như thế, ai cũng sẽ mở lòng chia sẻ với những lời nhắn có tính triết lý cảnh báo về nhân thế:
Đời lạ thế: xây ông thiện lại hoá thành ông ác
Mà suốt đời không tin là sự thật
(Tản mạn trước giờ bão đến)
Không còn nghi ngờ gì nữa, trầm tưởng và trầm tư về tình người, về lẽ đời đã trở thành những trạng huống thăng hoa có tính thanh lọc (catharsis) và cứu rỗi tâm tư con người trong thơ Võ Văn Luyến.
Tháng 11-1991
N.H
Đề nghị anh Hoàn tiếp viết về thơ anh Luyến.
Trả lờiXóa