Ảnh: Nhạc sĩ Phạm Duy và nhà báo Nguyễn Hoàn
Nhà báo NGUYỄN HOÀN, quê ở Bích La, Triệu Đông, Triệu Phong, một làng quê văn vật- cùng quê cố TBT Lê Duẫn, danh họa Lê Bá Đãng,…, xuất thân từ khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế trước đây. Hiện nay Anh là Thư ký tòa soạn, Trưởng ban Biên tập Báo Quảng Trị. Là cây bút nhà nòi, ngoài công việc bếp núc của một nhà báo bản lĩnh, anh đã cho ra đời 2 tác phẩm bút ký, phóng sự:Một cõi vĩnh hằng- Hội VHNT & Hội nhà báo Quảng Trị-2002, Mai sau dù có bao giờ- NXB Thuận Hóa-2007Nguyễn Hoàn tài hoa đã đoạt nhiều giải thưởng báo chí địa phương và trung ương đồng thời là một MC có phong cách, một “cây bình thơ sắc sảo”… Xin giới thiệu với các bạn về một nhà báo bình thơ!
Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa
NGUYỄN HOÀN
Qua tuổi thiếu niên, cánh thơ Trần Đăng Khoa đã “Từ góc sân nhà em” bay đến với mọi miền đất nước như biên cương, hải đảo. Một trong những nơi nhà thơ hái lượm được nhiều thi tứ nhất là Trường Sa, “cái giọt máu thiêng liêng dưới ngầu ngầu bọt sóng” của Tổ quốc thân yêu. Qua chùm thơ viết về Trường Sa của Trần Đăng Khoa, người đọc bắt gặp nhà thơ lúc thì đứng bên “cây bão táp đảo Nam Yết” để cảm nhận sức sống dẻo dai, bền bỉ của nó, lúc quyến luyến cùng “cô tổng đài hải đảo”, lúc cất cao giọng hoà ca cùng “Lính đảo hát trường ca trên đảo”, lúc ngồi ôm súng giữa đồng đội hồi hộp “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”. Cảnh vật và con người ở Trường Sa được tôi luyện dạn dày qua thời gian bám trụ giữa bão táp và sóng dữ. Sự sống Trường Sa đã nhân lên như thế giữa cuộc đời và trong thơ Trần Đăng Khoa. Ở đây có những con người trước lúc bám biển đã quen bám rừng, mang trong mình chất lính chung đúc nên từ nắng mưa đời lính:
Mới năm nào em còn ở Trường Sơn
Nay đã Trường Sa. Tổng đài hải đảo
Gió biển mặn mòi bạc bao lần áo
Mà cơn sốt rét rừng vẫn còn run trong da
(Cô tổng đài hải đảo)
Sự sống Trường Sa có những biểu hiện độc đáo mà những ai chưa một lần đến đây hay chưa một lần đọc thơ Trần Đăng Khoa chẳng thể nào ngờ tới được, dẫu cho ai đó có trí tưởng tượng phong phú chăng nữa. Vả lại, đôi cánh của trí tưởng tượng vẫn là do cuộc sống chắp cho kia mà. Ai có ngờ đâu “in lên màu mây mang bão” của Trường Sa không chỉ có “bóng anh hải quân hiên ngang” mà còn có cả những “bóng cây son trẻ”. Con mắt tinh tường của nhà thơ đã nhìn thấy những dáng vẻ dịu dàng dễ thương của sự sống nơi Trường Sa bão táp
Thân cây sao mà mềm mại
Lá cây sao vẫn mượt mà
Mỗi năm hàng trăm cơn bão
Trên mình cây đã đi qua
(Cây phong ba đảo Nam Yết)
Vẫn dưới đôi mắt nhạy cảm ấy, những đường nét tưởng như là gai góc, những màu sắc tưởng như là khô khan, những chất liệu tưởng như là trần trụi, thô nhám của Trường Sa, hết thảy đều biến thành thi liệu qua cảm quan nghệ thuật của Trần Đăng Khoa. Chẳng hạn, có người lại bảo hòn đá làm sao gợi nổi thi hứng, ấy thế mà Trần Đăng Khoa viết rất nhiều về đá Trường Sa. Không hẳn rằng viết về cát dễ hơn viết về đá, nhưng thơ viết về cát thì có nhiều mà thơ viết về đá thì còn ít. Thơ xưa viết về đá hay nhất là thơ Hồ Xuân Hương. Nhà thơ tả màu đá trong bài “Đá ông chồng bà chồng” rất sinh sắc: “Tuyết điểm phơ đầu bạc, Sương sa đượm má hồng”.
Trong thơ Trần Đăng Khoa, đá Trường Sa cũng có hồn như chiến sĩ Trường Sa vậy: “Đá vững bền”, “đá tốt tươi”, “hòn đá ngàn năm trong nhịp đập tim người”, “đảo đá cất thành lời”, “đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên”...Đá được diễn tả theo lối nhân hoá hay chính đá vốn đã là biểu trưng cho sự sống Trường Sa kiên cường, vững chãi trong thơ Trần Đăng Khoa, có lẽ là cả hai. Hình ảnh những người lính Trường Sa “trọc đầu” vì cắt tóc ngắn để “tiết kiệm” nước gội đầu, trong hoàn cảnh ở Trường Sa thiếu nước ngọt được diễn tả qua bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo” trông ngạo nghễ và gan lì như đá Trường Sa:
Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau
và nhà thơ đã có sự liên tưởng độc đáo mà thú vị về những hòn đá mang “hồn lính” Trường Sa:
Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển người đâu lên đông thế
Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu...
Nhà thơ viết nhiều về sóng gió Trường Sa nhưng không làm con người chìm lấp giữa thiên nhiên. Trái lại, sóng gió được dựng dậy làm nền để nhà thơ khắc hoạ chân dung lồng lộng, “ngang tàng như gió biển” của chiến sĩ Trường Sa. “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” là bài thơ hay nhất bởi lẽ diễn tả được vẻ đẹp tâm hồn tươi tắn, lạc quan của người lính đảo (bài này đạt giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1981-1982). Ngồi đợi mưa giữa mùa khô, những người lính đảo hoá trẻ lại tuổi hồn nhiên dưới một cơn mưa mộng tưởng:
Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Chúng tôi sẽ trụi trần, nhảy choi choi trên mặt cát
Giãy giụa tơi bời trên mặt cát
Như con cá rô rạch nước đón mưa rào
Úp miệng vào tay chúng tôi sẽ cùng gào
Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo
Tự xác định rằng “dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo”, những người lính đảo vẫn mong mưa hiện cuối chân trời để được đón đợi:
Mưa vẫn giăng màu lộng lẫy phía xa khơi
Mưa yểu điệu như một nàng công chúa
Người lính đảo ấp ủ niềm ao ước lãng mạn mà hiện thực này để cầm chắc tay súng, cũng như cả dân tộc ấp ủ niềm tin vào tương lai đất nước mạnh giàu, xán lạn mà dốc sức xây dựng cuộc sống mới, và gian khó chịu đựng chỉ càng nuôi bền thêm khát vọng mãnh liệt để đủ sức vượt lên phong ba bão táp, phải chăng đấy là cái “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ? Không một thế lực nào có thể làm suy suyển mối gắn bó và niềm tin yêu son sắt với Trường Sa của dân tộc mà thơ Trần Đăng Khoa đã thể hiện rất đỗi tha thiết và hùng hồn:
Đất nước Việt Nam một lần nữa nối liền
Những quần đảo long lanh như ngọc dát
hay:
Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này
(Lính đảo hát tình ca trên đảo)
NGUYỄN HOÀN
Hoàn có lối viết riêng bằng góc nhìn riêng vừa trí tuệ vừa bình dân đáng trân trọng.Chúc Hoàn có nhiều bài viết sắc sảo hoà vào dòng chảy văn học mạng
Trả lờiXóaBài này đã đăng trên trang văn nghệ đồng bằng Sông Cửu Long.
Trả lờiXóa