Quê Trâm Lý, Hải Quy, Hải Lăng, Quảng Trị. Tốt nghiệp ĐHSP Huế Khoa ngữ văn. Hơn 30 năm dạy học từ phổ thông đến chuyên văn Quốc học Huế, Quỳnh đã có thiện duyên với Văn chương Nghệ thuật. Ngày học Trung học Đệ nhị cấp Nguyễn Hoàng, Quỳnh- cô bạn có mái tóc dài- đã có nhiều trang văn , trang thơ lạy động bạn bè và là người chủ biên những tập san, đặc san của lớp. Sau này , Quỳnh đã có nhiều tranh ép hoa lá nghệ thuật triển lãm nhiều đô hị tiếng tăm trong cả nước. Đồng hành với phu quân là nhà văn Nguyễn Quang Hà, Quỳnh đã , đang và sẽ xây dựng bộ Tự điển Nguyễn Hoàng sau khi hoàn thành 10 tập NGUYỄN HOÀNG- CHÂN DUNG & KỶ NIỆM (đến nay đã phát hành tập thứ tư hoành tráng và chất lượng).
Xin giới thiệu vài tác phẩm thơ văn của Quỳnh!
KHOẢNH KHẮC
Võ Thị Quỳnh
Khoảnh khắc nắng trong đêm
Nàng xuân vừa kịp đến
Với rất nhiều hương xưa
Rắc lên đàn trìu mến
Với rất nhiều gió quyện
Tung cánh áo dài bay
Nắng trong đêm khoảnh khắc
Giữ mong manh tình xuân
Gởi về anh mộng tưởng
1000 lần tân hôn.
Tháng 12/2007AI MƠ CÙNG TÔI NHÉ
Vậy mà đã 30 năm tôi làm nghề gõ đầu trẻ, đã 30 mùa tựu trường nhiều lá thu vàng bay, nhiều vầng mây thu ấm, nhiều ánh mắt thu lạ quen thầm lặng, nhiều phút giây chờ đợi, khoảnh khắc khởi đầu.
Rời trường phổ thông, rời trường đại học, những giấc mơ phảng phất trong các bài giảng của cô thầy, những nỗi niềm nhắn gởi trong những trang lưu bút - khiến nhiều lúc tôi tưởng mình đang cùng thầy cô giáo và bạn cũ ước mơ.
Hóa ra không phải. Tôi đang mơ một mình.
Những ngày dạy học ở trường Cấp 3 vừa học vừa làm miền núi Tân Lâm, tôi đã ao ước sẽ có một ngày tôi ngồi trên máy bay rải hạt giống mai vàng lên khắp đỉnh đồi núi, biến Rừng Mới ấy thành Rừng Mai “ăm ắp bầu xuân”. Và những con dốc do chúng tôi - những thầy cô giáo trẻ - đặt sẽ thành tên đường thật. Đó là dốc Mậu Lộ (đường từ Cam Lộ lên nông trường tháp xanh Tân Lâm, mang tên ông giám đốc họ Lê hiền hòa, có tầm nhìn và muốn phát triển nông trường gắn bó mật thiết với ngôi trường cấp 3 sở tại. Có lẽ trong mắt ông, trường ấy sẽ là một trong những nơi tạo nguồn nhân lực - lãnh đạo và công nhân cho nông trường). Đó là dốc Minh Lai (đường từ nông trường tháp xanh lên trường cấp 3 Tân Lâm, tên ông hiệu trưởng họ Nguyễn tuy có gia trưởng chút ít nhưng rất tâm huyết đã cùng tập thể trường mong muốn ngôi trường này trở thành trường anh hùng, và đúng trường đã đạt danh hiệu trường ANH HÙNG khi còn rất trẻ vạm vỡ tuổi 20). Đó là dốc Mộng Lương (đường từ trường cấp 3 lên đồi 241, được mang tên một cô giáo Huế dạy địa lí rất hay, đưa học sinh du học qua những miền đất nước, ươm mầm hy vọng tương lai cho học sinh dù lúc ấy thầy cô giáo tiêu chuẩn hàng tháng 13 kg (gạo + độn), học sinh 15 kg (gạo + độn) - độn có thể là ngô, sắn, bo bo, lúc hạnh phúc là độn bột mì…). Con đường nối từ dốc Mậu Lộ lên dốc Minh Lai có tên là đường THANH NIÊN, con đường từ dốc Minh Lai lên dốc Mộng Lương mang tên là đường HẠNH PHÚC. Có một điểm chung khiến niềm vui của khu nội trú giáo viên và học sinh chúng tôi được nhân lên nhiều lần là cả 3 dốc, tên 3 người đều có cùng mẫu tự viết tắt ML. Bây giờ một người đã về nơi cao xanh mãi mãi (Lê Mậu Lộ), một người xuôi dòng sông Hiếu về với Đông Hà (Nguyễn Minh Lai), một người trở về với Huế - 3 quê gộp lại một nhà (quê cha, quê mẹ, quê chồng).
Ước mơ của tôi đã theo gió bay đi. Mong rằng được như Đoàn Chuẩn – Từ Linh “gởi gió cho mây ngàn bay, gởi bướm đa tình cùng hoa”…
Về dạy ở Đồng Khánh cũ - Trưng Trắc, rồi nay là Hai Bà Trưng - rồi theo lệnh điều động của cấp trên về dạy học trường Quốc Học Huế, tôi vẫn hằng thủ thỉ với bao thế hệ học sinh mơ ước của mình. Rằng những con đường của Huế ngoài tên vốn có của nó, chúng ta có thể thêm tên cây hoa bằng cách trồng cây hoa đặc trưng cho từng con đường. Mơ ước này có tự bao đời trong lòng dân Thừa Thiên Huế rồi, tôi chỉ là người Huế lô (phân biệt với Huế rin, Huế Cột cờ) nhưng dường như sự tiếp biến ước mơ ấy cứ thôi thúc, rạo rực trong lòng mình. Tôi đã gặp ĐƯỜNG PHƯỢNG BAY trong nhạc Trịnh, gặp ĐƯỜNG HÀNG ME (trong phân biệt Huế Cột cờ, Huế hàng me). Tôi đã đi lại bao hoàng hôn trên ĐƯỜNG HÀNG ĐOÁC… Còn bao nhiêu đường có cây đặc trưng và tôi đã gọi thầm: ĐƯỜNG XÀ CỪ (con đường đi ngang qua hai ngôi trường hồng Quốc Học - Hai Bà Trưng và xa hơn, qua hai ngôi trường ngày xưa cùng một khuôn dạng: Kiểu Mẫu và Đại học Sư Phạm Huế, bây giờ nhập làm một) có rất nhiều cây cổ thụ xà cừ làm nên con đường sữa thơ mộng nhờ những tà áo trắng của nữ sinh Huế lúc tan trường. Hàn Mặc Tử vẫn sống sừng sững nơi này vì ngày xưa: Áo em trắng quá nhìn không ra, vì ngày nay (chúng tôi đùa thôi, xin thi sĩ họ Hàn đại xá): Mắt anh kém quá nhìn không ra… Sau này có những con đường trở nên đẹp hơn do bờ sông có kè đá và có lề đường cho khách bộ hành, nhưng tôi không thể nào chuyển ước mơ này vào đất, nên đất đã cho tôi quá nhiều loại cây trên một con đường. Giá mà bên dòng sông An Cựu có một đường LIỄU RŨ (Phan Đình Phùng) và một đường BẰNG LĂNG TÍM (Phan Chu Trinh) hoặc bất kì một loại cây gì đó nhưng nhất quán một mình nó độc chiếm một con đường - thì sao nhỉ?
Nói ước mơ này cùng ai? Bao nhiêu thế hệ học sinh đã ra trường, rất nhớ Huế mà đa phần là rời Huế để đi xa. Lắm lúc gió lay rơi vài chùm quả muối, thấy thương một loài cây không ăn được nhưng chỉ nghe tên cũng thấy tha thiết một sự sống và đa dạng một cõi lòng. Lác đác đây đó còn những cây hoa sầu đông (tên ở nhà), hoa xoan (tên đi học) và một nhà thơ đã đề nghị đừng gọi tên sầu đông vì thực chất đây là cây hoa của tình yêu, của mùa xuân:
Nếu đã không yêu anh
Cười với anh sao được
Cây không yêu mùa rét
Để màu xanh làm gì
Ngàn cánh lá rụng đi
Trả lời bằng im lặng
Khi mắt em lúng liếng
Ấy là em yêu anh
Cây đang đứng lặng thinh
Bỗng nở ngàn hoa tím
…
(Viết cho cây sầu đông – Nguyễn Quang Hà)
Những câu thơ rất đáng yêu của Quang Dũng đã đi cùng tôi qua bao chặng đường dài, đó là:
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường xưa khô ráo lệ…
đó là:
Bao giờ ta gặp nhau lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa…
Tôi đã mơ cùng nhà thơ Mây đầu ô, còn bi chừ:
Tên Quỳnh hoa nở đêm
Ai mơ cùng tôi nhé!
Võ Thị Quỳnh
:)
Trả lờiXóa