Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

17.11.2008 NHỮNG CON ĐƯỜNG NHƯ ĐI TRONG MƠ

Những con đường
như đi trong mơ

VÕ VĂN LUYẾN

Một chiếc cầu bê tông thay cho con đò hà bám rêu phủ hay mấy nhịp ván mục dãi nắng dầm mưa, một mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo phơi nỗi cay cực ngàn năm nhường chỗ cho nhà rường ngói lợp hay tường xây mái bằng đã là sự thay đổi diệu kỳ những cuộc đời lam lũ của người dân quê tôi. Mấy ai một đời không ra khỏi rặng tre làng dám mơ một con đường đất (nói chi đến đường nhựa) nâng đỡ đôi bàn chân đi về trên dặm trường cát bỏng?

Thế mà có một ngày chính tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước ngã ba, ngã tư còn bốc mùi nhựa đường lấp loáng trong cái nắng ửng bất chợt vãn niên Mậu Tý, lại hình dung những nét thảo mực tàu mở những cung khuyên lên cuốn sách sâu dày của cát. Chẳng phải xa xôi bên Mỹ bên Tàu, chuyện mở đường qua dải "Trường Sơn cát trắng" ngược xuôi làng quê phong nẫm bên vỉa "vàng trắng" dồi dào khát chờ công nghệ silicat như Hải Lăng quê tôi tự nó mang màu sắc huyền thoại. Nhưng huyền thoại ấy đã có chiếc chìa khoá vàng mở ra sự thật của bí ẩn. Bí ẩn của nó xin phép được kể sau.

Bây giờ thì tôi đang trong tâm trạng mơn man như trong ngọn lửa nắng hun đốt da người bắt gặp cơn gió nồm - cơn gió mà người quê tôi hay gọi là GIÓ ĐÀN BÀ. Có lẽ do cái mát lành, xoa dịu, ru vỗ hồn người chăng? Đường về quê có đến mấy nẻo. Nhưng nẻo nhớ gắn với bao kỷ niệm tuổi hoa niên vui buồn, kể cả sợ hãi nữa lại phải tìm về nguyên khởi những câu chuyện đẫm chất truyền kỳ. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy mình mãn nguyện với "con ngựa sắt" lao đi với tốc độ nước đại trên cái vạch đen to tướng chỉ hướng giữa mênh mông bốn bề những cát và cát. Thì ít ra cũng từ giã bước thụt bước lùi mà tiền nhân từng than thở khi vượt truông dài bãi rộng giữa nắng nôi bỏng rát chỉ với một cái mo nang tre ngà hay mo cau đã trở nên tiện ích. Nghĩ mà thương cho cụ Cao Chu Thần gập ghềnh đường quan, lô xô đường trần khi qua cái ải mù sa mù sương này đã phải ngước mắt nhìn trời mà thốt lên: Bãi cát dài, bãi cát dài. Đường thì mù mịt. Biết tính sao đây? Người qua đường mới thấy đã kinh hãi, huống chi một đời sống chết với nó. Thế mới biết "cây xương rồng biết đi" bất tử có thua gì anh chàng Đông Ki sốt quần nhau với cối xay gió trong thế giới tưởng tượng của Xéc van téc!

Những ai sinh ra và lớn lên trên cát mới thấy mọi cố gắng tạo ra con đường bằng bàn chân của mình không khác chi làm cái công việc của dã tràng. Cát trôi, cát bay, cát chảy, cát nhảy, cát lấp suốt mùa nắng gió mưa bão, sẵn sàng đắp chiếu lên sự sống một màu trắng rợn người. Ngay cả người về yên giấc ngàn thu dưới đất kia cũng chưa hết mang vạ. Tuổi thơ tôi gắn với lưng trâu và trang sách, từng kinh hãi trước những cơn bão cát mù trời. Những nấm mộ như vành trăng ngời ngợi nhô lên giữa bát ngát tràm chổi thoắt ẩn thoắt hiện chỉ sau một đêm, cứ như thiên nhiên cũng có phép biến hình. Ông Lỗ Tấn, nhà văn hoá hàng đầu của Trung Hoa thời hiện đại nói đại ý rằng, mặt đất không có đường, đường hình thành do con người ta đi lại nhiều lần tạo ra mà thôi. Tất nhiên, câu phát ngôn với hàm nghĩa khác. Không đến nỗi ngớ ngẩn xét lại câu nói của cụ Lỗ nhưng với người dân xứ cát thì tường minh theo kiểu tạo lối mòn đường đi trên cát dường xa thực tế. Đi lại trên biển cát mênh mông trắng xoá một màu này không cứ gì trẻ con mà người lớn vẫn lạc lối như thường, nhất là mỗi sáng tinh mơ cát trắng sương trắng bao phủ hay buổi chiều lúc chạng vạng chỉ thấy hai màu đen trắng. Lần theo dấu chân người đi trước bằng lối mòn những khi trời đất trái tính trái nết là điều không thể, bởi chỉ cần chú mục vào bàn chân người vừa mới nhấc lên gió/mưa đã đem cát xoá dấu đi rồi.

Ngày còn sống, cha tôi hết lượt dắt các anh đến lượt tôi đi học và phải vượt quá nửa dặm đường đến trường đến khi nào nhận ra cái độông cát được đắp cao vượt quá đầu người làm điểm định hướng được trồng cây xương rồng, dứa dại mới yên tâm quay về vì sợ chúng tôi đi lạc. Cái độông cao ngất xa trông giống chú Dê ngước cao cổ nhìn trời kia người ta gọi là "Độông con Dê". Người dắt chúng tôi đi học như thế hết năm này sang tháng khác, ngày nắng ngày mưa, suốt thời đi học.
Hồi còn nhỏ ngồi hóng chuyện người lớn kể về chuyện ma dẫn đi lạc. Đi trong trạng thái miên man hồn xiêu phách lạc suốt đêm quanh quẩn giữa mù mịt bốn bề cát trắng không có lối ra. Có người kiên gan nghĩ ra cách tự trấn an bằng cách lấy nước tiểu hắt lên đầu để ma thấy dơ bỏ đi không xui quấy nữa. Thực hư thế nào thì tôi chưa tỏ nhưng thuở ấy đi về một mình trên cát, nhất là buổi chạng vạng thấy rờn rợn như có bóng ma chập chờn vây bủa. Ngày cha tôi mất, trận đại hồng thuỷ cuối cùng của thế kỷ hai mươi mang ông đi sang thế giới bên kia làm chúng tôi chưa hết bàng hoàng, cũng là ngày anh tôi trong cơn hốt hoảng vội vã lao ra khỏi nhà trong màn mưa xối xả, bốn bề lũ ngập. Lay hoay rẽ tránh những khe sâu nước xiết mãi từ sáng đến xế trưa lại quay về điểm xuất phát giữa thanh thiên bạch nhật. Mới hay con nước cũng là kẻ dẫn độ những bước chân đi lạc chứ không phải do lực lượng siêu nhiên, thần bí nào cả. Kể chuyện xưa và chuyện bây giờ để thấy những con - đường - xuân trên cái tiểu sa mạc hình chữ nhất này mở ra bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu tình yêu bắc cầu cho hạnh phúc đơm hoa kết trái. Những con đường ấy còn hoá giải được nguyện ước thành kính bằng tấm lòng trầm hương thơm thảo đối với người đã khuất vốn âm dương cách biệt trở nên gần gũi. Đó là những lần về quê, tôi không quên xuống xe đến bên mộ tổ tiên ông bà gần trong gang tấc thắp mấy nén hương tưởng nhớ.

Và tự nhiên tôi chợt nghĩ, mơ ước có được những hàng cây cổ thụ toả bóng bên đường trên miền cát nghèo chất sinh dưỡng này là điều khó có thể, hoặc giả nếu có cũng phải tốn bao công sức, tiền của đầu tư vào đó. Nhưng để có được con đường hoa trên những nẻo đi về bằng việc trồng những cụm xương rồng xen với cây bông trang dại, cây cỏ dừa chịu hạn, chịu nóng bốn mùa cho hoa (trắng, đỏ, hồng) như ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An lại nằm trong tầm tay. Biết đâu việc nhỏ như sợi chỉ kia làm nên đường nét khả ái của một vùng quê gió Lào cát trắng!

0giờ,15/11/2008
VÕ VĂN LUYẾN

1 nhận xét:

  1. Ôi lần đầu tiên NA được nghe "gió đàn bà".NA cứ nghĩ "gió đàn bà" thì lúc nóng ,lúc lạnh,lúc mơn man nhưng cũng có lúc làm ta "sởn da gà" chứ nhỉ???

    Trả lờiXóa