Thứ Ba, 4 tháng 11, 2008

06.11. 2008 TRUYỆN NGẮN VÕ VĂN LUYẾN


VÕ VĂN LUYẾN

Người trong tranh

Preview Truyện ngắn

Tôi đến với hội hoạ ngẫu nhiên. Có ngẫu nhiên mới gặp được nàng. Nàng đẹp. Vẻ đẹp ma mị, ở cái tuổi ngoại ngũ tuần tóc hoa râm như tôi bây giờ vẫn không dứt được sức mê ám, đến nỗi thấy có bóng hồng nào lướt qua trước mắt là lòng sực nhớ. Tôi thật bất ngờ khi đến miền sơn cước heo hút này. Người ta bảo nơi đây xưa là toạ độ bom của không lực Hoa Kỳ, bởi gần con đường chiến lược tiếp chuyển quân và vũ khí vào mặt trận. Bây giờ hố bom đã được san lấp. Cà phê, cao su ngút ngàn. Chim chóc đến tấu khúc hoan ca thanh bình. Đường ngang, ngõ dọc thẳng tắp như phố. Những con - phố - thiên - nhiên mới đẹp làm sao! Chợt mỉm cười vì tự nhiên nảy ra ý tưởng lạ lùng và cứ trôi theo dòng cảm xúc đứt nối, anh bạn đường vui tính vừa mới nhận xét điều gì đó tôi không kịp nghe thì đến ngã rẽ, phải chia tay.

- Thôi chào nhé. Trái đất méo, rồi sẽ gặp lại!

- Ờ, tạm biệt. Tôi đáp lại bằng cái bắt tay chân tình.

Đi tiếp một quãng, gặp đám trẻ con mải chơi bên đường. Nhờ chúng, tôi tìm được địa chỉ mình đến. Một căn nhà lợp lá, đóng ván, khiêm tốn nấp dưới những gốc nhãn vừa ra hoa, thơm dịu dàng. Giữa thinh lặng như cõi Thiền, tôi cất tiếng hỏi:

- Nhà có ai không?

Lặp lại hai, ba lần không có lời đáp. Chung quanh chẳng gần nhà ai, tôi bệt xuống khúc gỗ chỏng trơ giữa sân ngồi đợi. Đợi khá lâu, định quay lại chỗ đám trẻ nhưng cổ họng rát cháy mà cái ổ khoá hoen rỉ như thách thức, đành tự ý đạp cửa vào nhà tìm thức uống. Bước qua mấy bậc, ngước vào gian chính đặt bàn thờ, tôi như không tin vào mắt mình nữa. Nàng chập chờn sau làn khói mỏng, nửa như chào, nửa như trách móc. Phút giây cảm ứng tâm linh khiến tôi hành động như một cái máy. Cơn khát biến mất. Lặng lẽ đến thắp nén nhang cho nàng. Bỗng dưng thế giới thực tại nhoà ra nhường chỗ cho những thước phim về cái thời "một đi không trở lại"

*

Thời sinh viên chúng tôi không mấy êm đẹp. Súng đạn và giết chóc. Đám bạn bè hăng hái dấn thân, muốn làm một điều gì đó chứng tỏ mình tu mi nam tử theo kiểu Nguyễn Công Trứ, chưa hiểu và cũng chưa biết gì nhiều về bên này, bên kia nhưng yêu nước, ghét ngoại bang thì sẵn có trong mỗi hạt hồng cầu. Ngồi ở đâu cũng vẽ tranh cổ động, làm thơ, ca hát ngợi ca đất nước, tình tự dân tộc. Khi cần, cùng nhau xuống đường đấu tranh. Chỉ có nàng dè dặt trước đám đông. Chất nữ tính ấy dễ được thông cảm và càng hấp dẫn đám con trai nhiều hơn.. Nhìn kỹ lại thấy nàng hình như gần gũi các cậu ấm vệ tinh hơn con nhà bình dân như chúng tôi, đâm ra ngờ vực. Chính nàng đã làm phân cực ý kiến của mỗi người. Người cả khen, kẻ chê cũng không kiệm lời. Nhưng là những người đang yêu, ái mộ nàng, ai lại không sẵn mười một niềm hy vọng. Niềm hy vọng của tôi là được vẽ nàng. Lời đề nghị "thống thiết" được nàng thuận ý. Đúng hẹn, nàng đến phòng vẽ.

Ngày thứ nhất.

Như nhập đồng, tôi phác thảo và lên chân dung không một khó khăn nào. Nàng yên lặng ngồi suốt các buổi vẽ. Trước lúc về, tôi còn hẹn ngày sau đến để hoàn thiện tranh.

Ngày thứ hai.

Đến chậm một chút và với "động thái" trắc nghiệm, nàng yêu cầu tôi phải trả lời trước khi tiếp tục là vẽ nàng để làm gì. Sẽ phải thất vọng khi đời sống và nghệ thuật còn quá nhiều khoảng cách! Không còn thời gian để đi đường vòng trước một hình bóng từ lâu đã chạm khắc, tôi đem ruột non ruột già ra giải bày. Bởi nàng là hình mẫu lý tưởng của tôi. Và tôi dám đoan chắc, nàng biến đi đâu mất tôi cũng tái hiện được. Những tưởng cơ hội đã đến nhưng tôi bắt gặp cái nhìn xa xôi của gió cùng lời từ chối khéo:

- Hiểu anh, hiểu tình cảm của anh dành cho em nhưng chưa thể nói điều gì trước được. Hẹn ngày đổi kiếp!

Hai từ đổi kiếp nàng cố nhấn mạnh. Và nhanh chân như chạy trốn. Ít lâu, mới biết nàng không phải chạy trốn tôi mà không chấp nhận cuộc sống tù đọng, buồn tẻ.

*

Mãi tận sau này, tôi có những chuyến đi đây đó để vẽ. Bạn bè thêm nhiều. Lần theo chuyện tôi kể, anh bạn Giám đốc Lâm trường Con Sóc nghiên cứu điền dã biết được nàng - người tôi vẽ năm xưa - đã viết thư, ghi địa chỉ cho tôi kèm dòng tin ngắn: "Sau Mậu thân, B3 bị vỡ, tổ chức sớm đưa cô ấy ra chiến khu. Nghe đâu đời tư sóng gió lắm. Chúc cho cuộc hạnh ngộ nhiều niềm vui!"

Thú thực, tôi quá tin vào khả năng nghề nghiệp rằng mình có thể vẽ nàng bằng bất cứ lúc nào nhưng đã nhầm, cuộc đời như dòng sông có chỗ bình lặng, có chỗ gào thét thác đổ không phải ai cũng thấu hiểu hết được. Tôi đi tìm nàng chính là đi tìm đôi mắt trốn gặp bí ẩn năm xưa giấu chỗ không bình lặng ấy. Nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn tinh khôi điều ước, bởi nàng mãi mãi là người trong tranh.


Huế, 1984

1 nhận xét:

  1. Một câu chuyện gai góc, một câu chuyện bình thường ẩn chứa những bất thường của cuộc sống nhiều ngộ nhận, ít giản đơn.
    Trong cuộc đời, những lần rung động như vậy không phải là ít.
    Có điều, dư âm của những rung động ấy kéo dài đến bao lâu ... và ai là người bị tác động sâu sắc nhất.

    Trả lờiXóa