ĐI VỀ TRONG THƠ VÕ VĂN HOA (tiếp theo và hết)
Những chuyến đi về của anh Võ Văn Hoa không phải đi chơi mà vì nhiệm vụ công tác, thế nhưng trong thơ anh không hề được nhắc đến công việc, có lẻ bởi vì trong công việc, mọi thứ phải rõ ràng rành mạch, đâu ra đấy. Trong thơ anh chúng ta chỉ thấy anh gặp những người hết sức dễ thương.
Đầu tiên anh gặp là những cô giáo giàu lòng yêu trẻ. Cô giáo ở đây không phóng xe Spaces đến trường mà lội bùn đến lớp như một nông dân.
“ Về Càng mới thấy càng khổ nhọc
Lội bùn cô giáo đến trường xa
Yêu thương con trẻ đâu còn nhọc
Những mầm, chồi, nụ biến thành hoa”
( Về Càng)
Mặc dù phải chịu đựng khó khăn nhưng không phải không có những giờ dạy tốt.
“ Giờ học hôm nay, học sinh ngoan hơn
Đã lớn lên từ lời em giảng
Môn sinh vật tưởng chừng khô lắm
Qua lòng em nghe hạt lêm mầm”
( Bông hoa đỏ)
Thứ đến anh được những người bạn nghèo nhưng vô cùng hiếu khách mừng rỡ tiếp đón.
“Lâu lắm anh mới về thăm Càng
Trong mùa nước nổi vượt đò sang
Bạn đem chai rượu ra mừng đón
Mồi sẵn chung quanh diệc với ngàn…”
( Về Càng)
Không phải chỉ được bạn bè tiếp đón mà bà con nông dân cũng sẵn sàng thết đãi anh bằng những món dân dã.
“ Người dân làng Rào
Chân chất thật thà , bến quê neo đậu
Lươn, ốc , chuột đồng … thơm mùi xào nấu
Thết khách miền xa”
( Làng Rào)
Bà con ai cũng mến anh, ngay cả chú bé chăn trâu, cứ thấy chú về là vui.
“ Lâu chú mới về thăm làng
Gặp cháu nghêu ngao gõ sừng
Tan học, chăn trâu giúp mẹ
Chú về vui đến sau lưng”
(Đứa bé chăn trâu đồng làng)
Nơi anh đến là quê nhà, người anh gặp là bạn bè, đồng nghiệp, bà con, không ai xa lạ , do đó hạnh phúc của họ cũng chính là hạnh phúc của anh.
“ Con đi trên hai bờ kênh êm
Nắng dạt dào nở hoa sóng nước…
Nước đã về rồi – bao nỗi hân hoan…
Con muốn bơi giữa dòng đời đẹp thế!
Báo tin vui –
Ngày-nước-đến muôn làng”
( Nước đã về trên cánh đồng Triệu Hải, mẹ ơi!)
Vất vả của họ cũng là vất vả của anh.
“ Gánh cá chiều chạy từ biển lên
Đòn gánh cong đời mẹ
Người phu già khuân miền dâu bể
Điếu thuốc lào phả khói hoàng hôn”
(Chợ Hôm)
Đi và về đôi khi không khác nhau là mấy, nhưng thường thường, đi có nghĩa là đến nơi mình chưa đến bao giờ, còn về là trở lại nơi mình đã từng ở, do đó người ta thường nói về quê, không ai nói đi quê.
Quê Võ Văn Hoa cách nhà anh không xa lắm nhưng vì bận công tác, anh cũng không về được thường xuyên.
Mỗi lần về quê đối với anh là tỷở lại với những kỷ niệm của thời niên thiếu, những mối tình học trò vụng dại.
“Bi chừ ta bỏ cuộc chơi
Ngàn năm thương nhớ về nơi chốn này
Một thời ta đã mê say
Gió xuôi trảng cát cầm tay ru tình”
(Gió về miền xuôi)
Nói đến trảng cát người ta biết ngay là truông cát Cu Hoan, ngày xưa, bên kia rú chắn cát là những cồn cát, nơi trẻ con thường leo lên chơi, người trước cầm tay người sau, la ó cười vang, vui hết chỗ nói. Và một lần tình cờ anh được cầm tay một người con gái nào đó, và chỉ thế thôi, mà vẫn để lại nỗi niềm thương nhớ “ngàn năm”.
Thế nhưng rồi người bạn gái thời niên thiếu ấy chẳng biết theo chồng về đâu, chỉ có con bướm vàng ngày nào vẫn nhởn nhơ bay lượn như cố tình trêu người.
“Về quê cải đã ra ngồng
Có con bướm trắng lượn vồng khoai non
Nhỡ ai tính chuyện vuông tròn
Tháng giêng hoa cải vẫn còn ra hoa”
( Cải đã ra ngồng))
Đi về nói trên theo nghĩa thông thường, tức là phải chuyển dịch từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, đôi khi người ta chỉ cần ngồi một chỗ mà cũng có thể đi về. Đó là về với nội tâm để chiêm nghiệm cuộc đời.
“ Nửa đêm dậy điểm trà
Điếu đóm cùng lá hoa
Nhận ra mình lão thực
Trong những mùa xuân qua”
….
“ Nhận ra đời muôn mặt
Dâu bể cuộc tương phùng”
Nhận ra không phải để chán chường, mà :
“ Ta thấy mình vui vậy
Cuộc đời dài có mấy
‘ Tri túc’ bốn mùa xuân”
(Độc thoại ở tri âm các)
Như Minh Tứ đã viết: Võ Văn Hoa “ không thích triết lý rối rắm” . Có lẽ anh không mấy thích ngồi “độc thoại” , mà thích đối thoại, thích giao tiếp , thích những chuyến đi về để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện. Sống có ý nghĩa là sống cùng, sống với, bởi vì sống thui thủi một mình thì chẳng ai biết mình đang sống.
Đi về với Võ Văn Hoa như một nghiệp dĩ, một định mệnh, một cách để làm thăng hoa cuộc sống. Đi về vì công việc không thôi thì lâu cũng nhàm chán, nặng nề. Đi về với giỏ xe chất đầy những tứ thơ mới nảy thơm như những nụ hồng mới nhú là những chuyến đi về nhẹ nhàng như mây; những chuyến đi về trong hạnh phúc không phải chỉ cho mình mà cho biết bao người xung quanh.
Nếu vì một lý do nào đó mà anh không thể đi được thì lòng anh nóng như lửa đốt, trăn trở như hổ nhớ rừng.
“ Cơn mưa đầu mùa xối xã ngoài hiên
Có một người trong tim bão nổi
Tôi đi ngược phía chiều gió thổi
Cõi lòng ơi! Sao dứt thuở đi về!”
( Bão)
Đi về, gặp gỡ , giao lưu, xẻ chia , với anh là cuộc sống, là thơ. Không đi về, không có thơ. Thế nên đừng “dại” mà khuyên can anh, bởi chính vợ anh cũng không can anh nổi.
“ Vợ bảo một mai mây trôi bèo dạt
Trong anh còn maĩ nẻo đi về!”
( Tản mạn đêm thị trấn)
Chúng ta chỉ mong anh khỏe để làm tròn công tác, khỏe để đi về, để chúng ta còn được mãi đọc những vần thơ “đa mang cảm xúc trữ tình”(*), “ chắc mộc, giản dị mà thấm thía” (**), “nhẹ nhàng đôn hậu như hoa Dã thảo- loại hoa mà anh yêu thích”(***).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét