Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

10.11.2008 ĐI VỀ TRONG THƠ VÕ VĂN HOA-NGUYỄN KHẮC PHƯỚC

ĐI VỀ TRONG THƠ VÕ VĂN HOA

NGUYỄN KHẮC PHƯỚC

Thầy cô giáo huyện Hải Lăng không chỉ biết anh VÕ VĂN HOA là một trong những cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục của huyện với chức danh phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo mà còn biết anh là một nhà báo-nhà thơ nổi tiếng; bài viết của anh thường xuyên có mặt trên các tờ báo tỉnh nhà, tỉnh Thừa Thiên Huế và các tờ báo khác khắp nước.Anh đã đoạt nhiều giải thưởng cao về văn học và báo chí . Ngoài các tác phẩm in chung với các tác giả khác, anh có riêng cho mình ba tập thơ, một tài sản không nhỏ so với nhiều cây bút miền Trung khác.

Thơ của anh được nhiều người hâm mộ tìm đọc, được các tạp chí trân trọng và được các nhà phê bình đánh giá rất cao. Anh Mai văn Hoan, báo Thừa Thiên Huế, viết: “ Thơ Võ Văn Hoa nhẹ nhàng đôn hậu như hoa Dã thảo-loại hoa mà anh yêu thích”. Anh Phùng Ngọc Diễn (Hà Nội ) nhận xét: “ Ở Võ Văn Hoa, tôi đã thấy anh trải dài kí ức của vài chục năm lăn lộn với nghề, với người…”. Anh Trương Đức Minh Tứ, báo Quảng Trị, cho rằng thơ Võ Văn Hoa “ không điệu đàng, đánh bóng câu chữ; không triết lý rối rắm, đánh đố bạn đọc”; thơ anh “ cứ hồn nhiên tuôn chảy, lắng câu trong lòng bạn đọc với một chữ tình: tình yêu gia đình, bạn hữu đồng nghiệp; tình yêu quê hương đất nước…”. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu bình luận: “ Thơ Võ Văn Hoa có cảnh thực, tình thực; và đã có được câu thơ mang được vẻ đẹp, chất men say của ý nghĩ, cảm xúc…”

Võ Văn Hoa làm thơ không phải để đoạt giải mặc dù anh đã đoạt nhiều giải cao; không phải chỉ dành cho các nhà báo, nhà thơ, nhà phê bình chuyên nghiệp đọc, mặc dù họ đã đọc và trân trọng, mà còn dành cho những bạn đọc bình thường như bạn và tôi, những thầy cô giáo được anh yêu thương, dìu dắt, những người bạn đồng hương ở tỉnh nhà hoặc ở mọi miền tổ quốc. Tôi thuộc nhóm bạn đọc sau cùng.

Mặc cho những nhà phê bình chuyên nghiệp với những đánh giá nghiêm túc, những người đọc bình thường như bạn và tôi, chưa hoàn toàn đui mù với thi ca, khi đọc thơ Võ văn Hoa, hình như ai cũng tìm thấy bóng dáng mình , kỷ niệm của mình, hình ảnh của bạn bè thân thương, làng quê trìu mến của mình trong thơ anh.

Một tập thơ của bất cứ thi sĩ nào cũng là một hạt kim cương đa diện, lấp lánh nhiều màu sắc. Tùy vào vị trí mắt nhìn, mỗi người chỉ thấy được một góc cạnh, thường đã lọc qua lăng kính của tâm hồn mình, nên đôi khi có những khám phá, thậm chí trái chiều, mà tác giả không ngờ đến.

Trước mắt tôi, thơ Võ văn Hoa dày đặc những chuyến đi về, trước và sau xe anh là những chiếc giỏ, không phải chở đầy hoa phượng, mà chất đầy bộn bề những cảm xúc, những tấm lòng, để đêm về trên tri âm các, anh trải ra trang giấy thành thơ.

Với chức năng và trọng trách của một cán bộ lãnh đạo giáo dục huyện, anh Võ Văn Hoa thường xuyên có những chuyến đi vì nhiều mục đích khác nhau mà nghề nghiệp đòi hỏi: đi học tập, tham quan; đi hội thảo, họp hành, giao lưu khắp mọi miền Tổ quốc. Nhưng có lẽ những chuyến đi quan trọng nhất của anh là những chuyến đi về nguồn để tỏ lòng nhớ ơn chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc, để tỏ lòng ngưỡng mộ những vị anh hùng đã đưa đất nước vựơt qua bão giông.

Anh lần theo dấu chân của những binh đoàn vượt Trường Sơn.

“ …đi dọc Trường Sơn,

Tìm lại dấu son những ngày khói lửa

Đồng đội em ngả xuống nơi nao ?”

( Có một nơi nào)

Không phải chỉ một lần.

“ Mấy lần lên Krông Klang

Lên với Sa Trầm con đường huyền thoại

Đêm đại ngàn trường Sơn dốc thoải

Còn dấu chân của những binh đoàn!”

(Lên Krông Klang”

Trường Sơn không chỉ là núi rừng mà nơi đất thiêng, nơi yên nghỉ của bao chiến sĩ.

“Ba về Trường Sơn nơi các anh yên nghỉ

Mây trắng bay bảng lảng bồ đề thiêng”

( Gửi con gái ngoài Gio Linh)

Là cán bộ nhà nước, anh Võ Văn Hoa không quên hành hương về Hậu Kiên “ thăm nhà Tổng bí Thư Lê Duẩn”, một vị lãnh đạo mà theo anh đã tạo nên “Đại thắng mùa Xuân dấu son tươi sáng” và là “ Một con người toàn vẹn với non sông

Và anh cũng không quên về Hải Khê thăm quê của nữ Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm.

“Hôm qua về thăm chị

Trời hải Khê nắng vàng

Dấu chân ai trên cát

Gió biển lộng thổi tràn!”

(Ở một chân trời quê hương)

Cho dù dấu chân của chị đã từng in dấu trên bãi cát nầy đã bị sóng biển xóa nhòa từ lâu nhưng chiến công của chị , sự can đảm của chị, tấm lòng yêu thương đồng đội đồng chí của chị đã ghi vào lịch sử và được người dân Hải Khê nói riêng và dân Quảng Trị nói chung đời đời ngưỡng mộ.

Sau những chuyến đi về nguồn mà anh dành ưu tiên, anh bắt đầu những chuyến đi thăm huyện nhà .

“ Tôi đưa em về huyện trủng Hải Lăng

Qua Hải Tân, Hải Hòa, qua Ô Lâu trong xanh…

Tôi sẽ đưa em về La vang, về trằm Trà Lộc…

Ăn cháo bột Diên Sanh

Về biển trời bao la Mỹ Thủy trong lành…

Tôi sẽ đưa em lên vùng đồi Hải Lâm, Hải Lệ

Bạt ngàn rừng xanh.

Ngược dòng Thác Ma, qua Vực kè , Tân Lý…”

Trên huyện nhà Hải Lăng không có nơi nào mà anh chưa đến, một việc tưởng giản đơn nhưng ít ai làm được. Bài thơ đã giới thiệu được hầu hết địa danh và phong cảnh hữu tình của huyện nhà. Anh yêu mến và nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên quê mình, đặc biệt không khí trong lành, đời sống thanh bình, con người giàu nhân nghĩa, tình cảm nồng nàn.

Tôi nhớ mang máng trong một truyện ngắn nước ngoài, chủ nhân ngôi nhà sau khi đọc bài quảng cáo rao bán ngôi nhà trong đó người môi giới đã mô tả căn nhà có nhiều vẻ đẹp mà bấy lâu nay họ không nhận ra. Thế rồi sau khi cân nhắc, chủ nhân ngôi nhà quyết định không bán nhà mình nữa và ở lại đó mãi mãi.

Người dân huyện Hải Lăng có lẽ cũng như thế . Sau khi đọc thơ Võ Văn Hoa, họ sẽ không ngờ quê mình đẹp thế và chắc chắn sẽ yêu quê mình nhiều hơn.

Qua dòng Ô Lâu, anh không quên giai thoại chuyện tình Cây Đa Bến Cộ và bất chợt thốt lên những vần thơ mà tôi cho là có giai điệu mượt mà nhất, duyên dáng nhất, mênh mang nhất.

Dòng sông Ô Lâu - dòng sông đi về đâu?

Em đưa tôi chiều tà xế bóng

Để lòng ai xao động!

Để lòng ai bâng khuâng!

Dòng sông Ô Lâu – không còn em – tôi đi về đâu?

Nhà thơ Hoài Quang Phương khi đọc thơ Võ Văn Hoa đã hình dung một bức tranh có “đôi cánh thơ bay trong bầu trời thất tình với sự phản chiếu của dòng Ô Lâu cô đơn trên nền trời vô định”. Hình ảnh đó giúp ta cảm nhận được “ tình yêu của thi nhân ảo huyền, xót xa mà vẫn nuôi hy vọng” . Chính giai điệu có sẵn trong bài thơ đã lôi cuốn Phan Thạch Hùng chọn bài thơ này để phổ nhạc, tôi tin chắc là thế.

NGUYỄN KHẮC PHƯỚC

(Đà Nẵng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét