Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2008

03.11. 2008 “CÒN TA VỚI MÌNH” VÀ DẤU ẤN QUÊ NHÀ QUẢNG TRỊ

“CÒN TA VỚI MÌNH” VÀ DẤU ẤN QUÊ NHÀ QUẢNG TRỊ

Tập thơ “ Còn ta với mình” cho thấy gương mặt thơ của Võ Văn Hoa trong những mối quan hệ với đời sống và nghệ thuật. Những bài thơ được sáng tác theo tinh thần ấy đã thể hiện những cảm xúc của Võ Văn Hoa trước những hiện tượng khách quan và chủ quan, trong đó mối quan tâm chính của nghệ sĩ là sự rung động của tình cảm mỗi khi khám phá vóc dáng và tâm hồn của quê nhà. Điều này cho thấy rõ, đối với con người thi ca Võ Văn Hoa, quê nhà Quảng Trị có một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình nhận thức nghệ thuật trước nhiều vấn đề của tâm hồn. Quê nhà Quảng Trị đã là một mảng đề tài chủ yếu, một dấu ấn đậm nét trong những trang thơ “còn ta với mình” mà bằng khả năng sáng tạo, Võ Văn Hoa đã có thể làm người đọc tìm được sự giao hòa, đồng điệu trong cảm nhận.

Là người con của làng Thi Ông, xã Hải Vĩnh Huyện Hải Lăng, quê nhà trong trang thơ “Còn ta với mình” mà Võ Văn Hoa muốn khắc họa, miêu tả như một không gian trữ tình với những thực tế đã được khúc xạ qua tâm hồn: “Hộ Phiên, Ruộng Địa, Thượng Đạc/ biển lúa vàng mênh mông/chiền chiện, dế mèn ngân lên khúc hát, quê mình đang vào mùa lúa chín/thơm cọng rơm vàng/anh qua xóm làng/đất ngấu bùn cuống rạ/gánh thóc về muôn ngã”. Nơi chôn nhau cắt rốn đã gieo trong tâm hồn thơ của Võ Văn Hoa ý thức về cội nguồn. Cội nguồn ấy không gì khác ngoài một miền quê trên mảnh đất Quảng Trị bên dòng Ô Lâu hiện bóng những câu thơ “Bên dòng sống Ô Lâu trường mọc rất gần...”. Quê nhà là nơi mà thực hiện đời sống luôn làm bận rộn, xao xuyến trái tim của Võ Văn Hoa trong niềm vui và sự say mê khám phá bản chất thẩm mỹ của nó. Cho nên, nội dung cuộc sống của quê nhà đã hòa nhập và làm lóe lên trong Võ Văn Hoa tia sáng của những cảm xúc nhuốm màu sắc trữ tình. Và với mục đích phản ánh từng rung động giữa tâm hồn mình trước cuộc sống đã được lựa chọn trong những khoảnh khắc thi vị, cá tính sáng tạo của Võ Văn Hoa cũng được hình thành để trên những trang thơ “Còn ta với mình” nỗi lên một âm sắc, một tình cảm cơ bản là sự gắn bó và yêu thương quê hương ruột rà. Hơn nữa, dường như trong quá trình thâm nhập vào những miền quê, chính Võ Văn Hoa luôn mong muốn những miền quê ấy thấy mình có trong thơ cũng như giữa một người biết cách nói về cuộc sống bằng thơ và những miền quê có sự cảm động. Tâm lý sáng tác này đã thúc đẩy Võ Văn Hoa sử dụng trực tiếp những khơi gợi, những khung cảnh và trí tưởng tượng chân tình để những hình ảnh thơ về quê nhà “Còn ta với mình” giống như hoa trên đồng nội.

Một cách bình dị, dấu ấn quê nhà Quảng Trị trong tập thơ “Còn ta với mình” dành trở nên đậm nét từ màu vào mùi của đất rồi hơi nước, hương cây đến vị gió của huyện trũng Hải Lăng có “những bước chân vương bùn non đến lớp” trong “Tháng ba chớm nắng thoáng yên lành” sau rốn lũ vừa qua, có làng Thi Ông có “Biêng biếc gió hương vườn, reo vui từng mái lá”, có ngôi làng “Võ Xá hóa văn chương”...tạo ra nội dung và hình ảnh thơ của quê nhà Quảng Trị trong “Còn ta với mình” có thêm dáng vẻ hùng vĩ và khí thiêng của ngọn núi mai “vắt kiệt cằn khô ruộng đất/mùa xuân mai nở ở non cao/mai nở vàng sông, rực suối/đại ngàn dát nắng ca dao/bản nhỏ, em gùi hoa chuối/anh đến vít cong rượu cần/ ...luân vũ bập bùng đêm trắng/không gian vàng tận ngoài kia”, là chợ Cầu ở Gio Linh với “vôi trắng nghìn năm lời ước hẹn, đỏ au cổ tích chẳng phai nhòa”, cùng miền tây có ĐaKrông là “Một phiến mây rừng, một phiến không/...nước đầu nguồn xanh bóng nhẩy” và “Những em bé Pa cô, Vân Kiều/...sớm nay không theo mẹ lên nương/ sớm nay em thả bộ đến trường/qua Hướng Linh, Hướng Phùng/qua Húc Nghì, Tà Rụt/...các em – như hoa cà phê trắng”. Bằng cuộc sống trong sự vận động ở những miền quê thân thuộc đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của Võ Văn Hoa, “Còn ta với mình” tới được với lòng người Quảng Trị. Người đọc nhận ra những trang thơ này được soi sáng bằng những thay đổi tốt đẹp trong đời sống thực lẫn đời sống tinh thần của những làng quê mà ngay trong phạm vi khách quan đó, Võ Văn Hoa đã phát hiện ra sự ấm áp của tình cảm con người và những nhân cách thuần hậu. Vì thế, thơ quê nhà Quảng Trị trong “Còn ta với mình” vừa phản ánh hiện thực như dạng tồn tại và phản ánh được tâm hồn của con người trong thực tế đó vừa có được màu sắc lãng mạn.

Đưa vóc dáng vào việc nhận thức cuộc sống về mặt thẩm mỹ, Võ Văn Hoa đã tạo ra những hình ảnh thơ khá đầy đặn cảm xúc trong “Còn ta với mình”. Có thể là những làng quê “Phú, Thượng, Lệ, Quy, Tân, Vĩnh, Thiện, Thành” với lịch sử đã được viết bằng “từng lớp người ra trận” trong quá khứ và hiện tại đang “thức dậy những mầm xanh” trong hôm nay, là một nơi mà khi con người “lặn lội tìm nguồn năm tháng” sẽ “vỡ ra giọng tiếng ru hời” và “gặp đất đai thầm lặng/ cho đời cây lá xanh tươi”, với làng Kim Long, gương mặt của quê nhà thơm ngát hương men của “vò rượu thiên hà”. Làm nên nét đẹp của quê nhà trong những trang thơ “Còn ta với mình” còn là mùa xuân Thành cổ với “dòng sông hoa tưởng niệm nở đầy”, là “dải yếm đào còn hồng sắc nhớ” ở làng Mỹ nhân bên dòng Ô Lâu xanh trong, là những người con gái làng Văn “đoan trang tính cách, má môi hồng”.

Lớn lên từ cọng rơm vàng của quê nhà, tác giả của những vần thơ “Còn ta với mình” đã biết cách lấy những làng quê Hải Lăng, Quảng Trị làm đối tượng, thế giới quan và tâm lý sáng tác. “Còn ta với mình” thể hiện những cảm xúc của Võ Văn Hoa trong mối quan hệ với làng quê có ý nghĩa khơi gợi thi hứng và mong muốn bộc lộ tình yêu hướng tới “những làng xã choàng lên mình vương miện, những tầng cao...”

Nguyễn Bội Nhiên

(Báo Quảng Trị cuối tuần số ra ngày 5/6/2004)

1 nhận xét: