THẾ GIỚI THƠ VÕ VĂN HOA
Thạc sĩ Bùi Như Hải
“Đời ngoài tuổi năm mươi - Mong gì hương sắc lạ”
(Hoa trên đá- Chế Lan Viên)
1. Có người nói văn học nghệ thuật là “quý hồ tinh hơn quý hồ đa”, nhưng tôi lại thiết nghĩ có “đa” mới có “tinh”. Với nhà thơ Võ Văn Hoa, không chỉ quan tâm “đa” hay “tinh”, nhiều hay ít, điều anh tâm niệm là phải cố viết bằng sự chân thành, không giả dối, điệu đà, khoa trương hay triết lý rối rắm. Trong sự nghiệp trước tác, Võ Văn Hoa từng được các giải thưởng về thơ, nhưng chưa bao giờ anh khoe mĩ về các giải thưởng ấy. Có lần anh tâm sự: Đối với người cầm bút thì giải này hay giải nọ đâu phải cái đích cuối cùng. Điều khao khát nhất là luôn tạo ra những thi phẩm hay hơn, mới hơn, thật hơn với chính mình. Cố viết bằng tâm hơn là viết bằng tài, có như thế mới gần gũi với bạn đọc, nhà thơ mới tồn tại.
Trên hành trình sáng tạo thi ca, nhà thơ Võ Văn Hoa có rất nhiều thi phẩm được đăng trên các tạp chí Trung ương và địa phương, được tuyển chọn vào những tập thơ chung, sau đó anh đã góp nhặt và cho ra đời hai tập thơ riêng Còn ta với mình (NXB Thanh Niên, 2004 ), Gió cuối mặt sông (NXB Thuận Hoá, 2008). Có được thành quả đó, là nhờ vào quá trình làm việc nghiêm túc, miệt mài không mệt mỏi của anh. Điều đó, đã làm nên chứng chỉ thi ca, và chứng chỉ thời gian của hành trình nghệ thuật, mà anh trót nặng nợ, đa mang, và có thể hệ lụy, nhưng anh không thể khước từ, không thể lặng im.
Thế giới nghệ thuật thơ của Võ Văn Hoa đa dạng và phong phú. Cảm hứng sáng tạo chính trong thơ của anh là sự hoà quyện những cảm hứng lớn về quê hương, đất nước, và những cảm hứng thẳm sâu về con người, thiên nhiên, về tình yêu, thế sự... được thể hiện trong suốt con đường thơ của anh.
2. Trong mỗi con người, ai cũng có quê hương để thương, để nhớ, đó là nơi chôn rau cắt rốn, nơi sinh ra và lớn lên trong những năm tháng ấu thơ. Quê hương, hai tiếng thân yêu ấy đến với Võ Văn Hoa trong tiếng nói đầu của thi ca. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê đằm thắm hương vị của ruộng đồng và biển cả. Và thế, anh đã mang trong tâm hồn tấm lòng tha thiết với quê hương. Bước vào đời thơ, Võ Văn Hoa đã có bài Quê mẹ Hải Lăng: “Có một miền quê nồng nàn đến thế/Tôi đưa em về quê mẹ Hải Lăng.../Có một vùng quê nồng nàn đến thế/Tôi đưa em về huyện trũng Hải Lăng.../Có một vùng quê nồng nàn như lửa/Qua đạn bom mới yêu hết tình đời”.
Vừa tự sự, vừa miêu tả, cảm nhận, bài thơ đã nói hộ tình yêu nồng mặn của thi nhân - nhà thơ với một vùng chiêm trũng, sông nước, một vẻ đẹp nhỏ nhẹ, đằm thắm. Tình yêu ấy ngày càng nghiệm sinh, thấm sâu vào hồn thơ của anh: “Miền quê nghèo giàu nhân nghĩa nhân gian/Có một miền quê, có một miền quê “rũ bùn đứng dậy”/Chói sáng tim hồng”(Quê mẹ Hải Lăng).
Thi phẩm được coi là kiệt tác tiểu biểu cho mảng đề tài quê hương, đất nước. Bài thơ mang hồn thơ chân thật, nồng nàn, trong sáng, là tiếng thơ của một tâm hồn giàu cảm xúc đã được ý thức soi sáng. Lời thơ mộc mạc, trong trẻo, giản dị, với chất giọng tâm tình làm cho bạn đọc cứ tưởng như tấm lòng ta vậy.
Nơi chốn quê của anh có dòng sông, biển bãi, có vùng chiêm trũng, có bờ tre nghiêng bóng, có bờ xanh lúa khoai, buổi trưa hè... Ở đó, có dòng sông, nơi tắm mát tuổi thơ đã ăn sâu vào tâm thức nhà thơ, nơi anh kí thác tâm tình: “Bờ tre xanh nghiêng bóng/Con sông nhỏ về đâu?/Con sông nhỏ nông sâu/Vĩnh Định ơi ta về” (Vĩnh Định ơi ta về). Bài thơ Vĩnh Định ơi ta về đã gây được tiếng vang lớn trong công chúng. Sau đó, bài thơ được nhạc sĩ Phan Thạch Hùng phổ nhạc đã tiếp sức lan toả của thi phẩm tới độc giả. Được biết bài thơ được phổ nhạc, tâm hồn anh khi ấy thật bay bổng, thơ thới, và xúc động nghẹn ngào. Đó là đứa con tinh thần của đời anh, chấn động đời anh trên con đường sáng tạo thi ca, góp phần dắt anh đi suốt chặng đường sáng tạo đầy chông gai và hạnh phúc.
Quê hương trong anh có lẽ lớn hẳn lên với một khí thế chiến đấu tưng bừng, với những người con ưu tú anh dũng hy sinh: “Về bãi ngang một thời oanh liệt/“Mồ chen thôn xóm...” năm nào.../Bao người mẹ anh hùng, bao người con bất tử!/Hải Lăng trong tôi”(Quê mẹ Hải Lăng). Sức mạnh đấu tranh của những người mẹ, người chị, người anh, người em... đã đi vào huyền thoại. Lúc này, trong anh đã đâm chồi nảy lộc một miền tin vào sức mạnh kì diệu của quê hương: “Đảng chỉ cho ta đường ra phía trước/Để mai sau đón lấy mùa vàng.../Con muốn bơi giữa dòng đời đẹp thế!Báo tin vui - Ngày-nước-đến muôn làng” (Nước đã về trên cách đồng Triệu Hải mẹ ơi)
Những địa danh, tên đất, tên làng của những vùng quê khác nhau đã đi vào trang thơ của anh như Hạ Long, Qua đèo Hải Vân, Một mình với Huế, Thơ viết từ mùa xuân đôi chín, Đêm Đà Lạt... Anh có nhiều chuyến đi vào cuộc sống thực tế và nhạy bén trong việc quan sát, nắm bắt hiện thực khác quan, tìm thấy nhiều miền quê mới, một Tiên Điền: “Làng quê nghèo như bao làng quê khác. Sóng Cửa Hội vẫn vỗ vào đất liền âm ba của thơ”(Tiên Điền). Một Đà Lạt mộng mờ, huyền ảo trong sương mờ: “Đêm chùng xuống thông xanh/Một Đà Lạt mờ sương ảo ảnh/Ven Hồ Xuân Hương se lạnh”(Đêm Đà Lạt). Một cố đô Huế cổ kính, rêu phong: “Màu tím Huế chiều Hoàng Thành bịn rịn.../Không gian Huế bức tranh trầm mặc/Tố nữ ơi xuân tím đến bao giờ?”(Thơ viết mùa xuân đôi chín). Trước vẻ đẹp của một thủ đô ngàn năm văn hiến, anh đã chú ý chọn lọc một số nét tiêu biểu, tô đậm, thể hiện cảm xúc trước cảnh Hồ Gươm: “Bừng thức chuyện rùa vàng/Hồ gươm xanh bóng phố/Hạt ngọc qua thời gian/Sáng ngời trang cổ sử” (Bên hồ Gươm). Tình cảm với Hà Nội cũng là tình cảm với đất nước. Mỗi bước đi của hiện tại đều gắn liền với lịch sử hôm qua, và cũng là sự ngời sáng cho ngày mai. Đến với phong cảnh thiên nhiên hay các địa danh, tất cả đều xuất phát từ tình yêu quê hương được nâng lên thành tình yêu Tổ quốc.
Tôi yêu những vần thơ quê hương, đất nước phả đầy cảm xúc, thiết tha của anh, bởi ở anh, chất hồn nhiên, mộc mạc và chân thật, những lời tâm sự thủ thỉ, và tấm lòng da diết với quê hương, đất nước không hề đổi thay. Võ Văn Hoa không đưa ta vào những mê cung huyền bí, những trận đồ bát quái, những chữ nghĩa mê hồn trận làm tan tác hồn người, mà ở đó, anh đưa ta về những hồn quê đắm say, ngay cả những người đang sống giữa lòng quê hương mình.
3. Ngoài mảng viết về quê hương, đất nước, Võ Văn Hoa cho ra đời dòng thơ về bản thân, gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp và đời tư-thế sự... Từ những con người bé nhỏ đến những người nổi tiếng đều là đối tượng để anh đưa vào trang thơ. Mở đầu tập thơ Gió cuối mặt sông là hình ảnh của người con gái anh hùng, gan dạ của một thời xẻ dọc Trường Sơn, tiêu biểu cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam: “Em vẫn đi dọc Trường Sơn/Tìm lại dấu chân son những ngày khói lửa/Đồng đội em ngã xuống nơi nào?/Cây rừng kèn dày phế tích” (Có một nơi xa nào).
Cũng là con người, nhưng mẹ Việt Nam lại phải hứng mưa bom bão đạn, phải gắn chịu bao nỗi đau thương, đứng lên tự chủ vì đất nước đang bị dày xéo tả tơi: “Cả Thị xã máu trộn cùng vôi vữa trắng thời gian. Dòng Thạch Hãn như vết cắt nhói tràn đất mẹ” (Vĩ thanh Thành Cổ). Những người chị (Trần Thị Tâm) đang còn tuổi thanh xuân, chân lấm tay bùn, đứng lên từ trong đau khổ, căm thù lũ giặc cướp nước: “Nơi này xưa chị ở/Cả vùng trời màu xanh” (Ở một chân trời quê hương).
Anh viết nhiều về những người lao động chân bùn tay lấm, những người hăng say dựng xây cuộc sống mới: “Những cô gái Lệ Ninh nói ít làm nhiều/Vết chai sạn hằn lên da thịt/Dù không nói ra, anh vẫn biết/Xe cát nhọc nhằn... không uổng đâu em/Có mồ hôi em lúa sẽ lên xanh/Đất và nước hẹn mùa sáu tấn/Đồng Triệu Hải những ngày vui vô tận/Nước đã về. Em lại tiếp ra đi...” (Những cô gái Lệ Ninh).
Những nhân vật nổi tiếng cũng là đối tượng được khai thác. Anh viết về họ với một tình cảm chân thành, tấm lòng kính phục: “Vẫn làng quê như bao làng quê khác/Vẫn ngôi nhà mộc của bậc sinh thành.../Người học trò xuất sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh/“Nhành mai đỏ” bên dòng sông Thạch Hãn/Đại thắng Mùa xuân dấu soi tươi sáng/lịch sử sang trang/Ông - một con người toàn vẹn với non sông” (Thăm nhà Tổng Bí Thư Lê Duẫn).
Có những bài thơ anh viết rất hay về bạn bè, đồng nghiệp. Đó là những người cùng chất sống như anh: “Nhiều đêm dốc bầu thức trắng/Nghêu ngao thơ phú nỗi niềm/Bất luận nắng mưa sớm tối/Tìm về một cõi thân quen”(Nét xuân). Khởi nghiệp là nhà giáo, sau đó anh làm quản lí, nên anh rất thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả, khó khăn của đồng nghiệp trong việc đưa cái chữ lên miền núi, về miền xuôi: “Quê anh lầm lội cơn mưa/Đồng nước bạc ngỡ như chưa bao giờ/Em về dạy các em thơ/Mấy mùa gian khó nối bờ thương yêu”(Gửi em cô giáo trường làng); “Các cô giáo miền xuôi lên đây cắm bản/Dốc chiều nghiêng!/Gian khó buổi đầu không thể nào quên”(Như hoa Cà-phê trắng). Người bạn đồng nghiệp gắn bó bên anh “Những tháng năm dài gian khổ bên nhau”, trong “Tình bè bạn men nồng thức trắng” đã ra đi vào cõi vĩnh hằng trong khi “trang đời mới mở” để lại “bao nỗi thương đau” cho người ở lại: “Tin mới nhận bồi hồi nóng bỏng/Có thể nào bạn đã ra đi.../Hải Khê ơi!Trong từng lời sóng vỗ/Chia cùng ta bao nỗi thương đau”(Cho người nằm xuống). Và bất kỳ đâu, nơi nào, thăm, gặp nhân vật nào, nhà thơ cũng có thể đưa ngay họ vào trang thơ của mình: “Lâu chú mới về thăm làng/Gặp cháu nghêu ngao gõ sừng/Tan học chăm trâu giúp mẹ” (Đứa bé chăn trâu đồng làng).
Và những lúc anh cảm nhận đặc sắc nhất cái vô thường của đời người ,và sự bất lực trước thời gian, qua hình ảnh của người Cha thân yêu thuở nào “dắt con mỗi sớm đến trường”, thế mà “Giờ sang tuổi tám mươi tai lãng, mắt mờ” (Bố). Và Mẹ - Người con gái làng Văn “Đoan trang tính cách má môi hồng”, biết bao chàng trai “phong trần ngơ ngẫn tiếc”(Con gái làng Văn), nhưng giờ đây “Dáng mẹ hao gầy vào ra sớm tối/Gậy khua vào bảng lảng hoàng hôn”(Bão).
Cuộc sống và con người trong trang thơ của anh phong phú và đa dạng dường nào, có đầy đủ các đối tượng, tất cả đều xuất hiện một cách có khí phách, có tầm cỡ và có vóc dáng riêng của bản thân, góp phần làm giàu thêm mình bằng chất tiểu thuyết, chất đời, chất người qua các nhân vật. Và như thế, cũng có nghĩa là cái tôi trữ tình của nhà thơ đã phong phú, lớn lao, đã có sự hoá thân, gửi gắm vào những nhân vật vật trữ tình ấy. Đến tập thơ Gió cuối mặt sông, thơ Võ Văn Hoa mới đến độ chín nhất định. Đó là một kết quả của một quá trình phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi của anh để có sự hòa quyện cùng nhịp đập giữa cái tôi và cái ta.
4. Phong cảnh thiên nhiên được Võ Văn Hoa miêu tả bằng một sự trìu mến, yêu thương, đặc biệt với những nét đẹp tinh tế, sáng tạo. Thơ anh tràn ngập sông nước, trời biển, trăng, mây gió, hoa lá, rơm rạ, cá chim... Thiên nhiên trở thành bầu bạn, sẻ chia, tâm tình. Những hình ảnh ấy như có linh hồn khi thi nhân thổi hồn vào đó tạo cho nó sức sống mãnh liệt: “Thôi đừng trách anh, nghe em/Mình bỏ lại cho nhau mùa xuân đôi chín/Mùa tím Huế, chiều Hoàng Thành bịn rịn/Ta còn gì chia sớt nắng sương pha”(Thơ viết mùa xuân đôi chín).
Mỗi năm có bốn mùa, xuân qua hè tới, thu tàn đông đến, là quy luật của thiên nhiên, và mỗi mùa gắn với những đặc trưng quy luật riêng của nó. Trong hành trình thơ của anh luôn có sự hiện diện các mùa trong năm: “Mùa thu qua cuối trời.../Để mùa đông khô khốc/Mùa xuân qua mau/Mùa hạ vương buồn trên lá” (Ngày ấy lâu rồi). Thế nhưng, mùa xuân và mùa thu in đậm dấu ấn hơn hết. Mùa xuân đến tất cả như căng đầy sức sống, trăm hoa đua nở, như để níu kéo ai đó trên đường xuân: “Bây giờ còn chi để nói/Khi bên ngoài úp cánh mùa xuân!.../“Mây” buồn nhớ xuôi chân về đỉnh núi/Gió còn thương nên vấn víu cây cành!/Còn gì không em khi mùa xuân đến/Ta âm thầm đếm bước mãi đi xa” (Mùa xuân cuối trường); “Mùa xuân mai nở non cao/Mai nở vàng sông rực suối”(Núi Mai). Và mùa mùa thu ở Trường Sơn: “Chớm thu vàng cánh lá/Anh mãi còn đi xa/Trường Sơn heo hút quá/Đêm thức mỏi tiếng gà”(Ra giêng anh cưới). Một mùa thu không vàng vọt, uỷ mị, mà êm đềm, duyên dáng trong những nét tươi mới của cuộc sống mới: “Ta nâng chén với mùa thu Đất Nước/Cất cao lên tiếng hát mọi nhà/Hướng mở có rồi thẳng đà lên phía trước/Chân trời vui xanh sắc sáng thu này” (Cùng mùa thu). Thi nhân từng làm da diết, ngẩn ngơ bạn đọc qua bức họa mùa thu. Mùa thu trên đất Cố đô Huế, trong tâm tình, có cái gì xao xuyến tận bên trong: “Có một chiều thu hiền dịu/Em như góc bể xanh màu/Viên mãn bên trời ai níu/Trong chiều Đại Nội buông mau” (Thu Hương). Tất cả đều gợi sự cao độ trong cảm giác về mùa thu của nhà thơ.
Khi tiếp xúc với các tập thơ của Võ Văn Hoa, hầu như bạn đọc bắt gặp nhiều đến các hình ảnh, chi tiết về sông, biển, núi... Sông chảy êm đềm dịu nhẹ mang đầy phù sa và kỷ niệm. Biển êm trôi từng con sóng nhỏ đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Núi không hoang sơ mà phủ đầy hoa và tuyết. Anh viết nhiều về sông nước quê hương, sông nước Việt Nam. Có những con sông cụ thể gắn với kỷ niệm của tuổi thơ, của nỗi đau chia cắt, và chứng nhân của lịch sử: “Sông một thời dậy sóng/Chôn giặc xuống bùn đen”(Vĩnh Định ơi ta về); “Trầm tích một “tình sử Ô Lâu”/Tôi đi về phía dòng sông ban mai quá khứ.../Nào ai biết vị tiến sĩ đầu tiên ở Đàng Trong/Bùi Dục Tài bươn bả ra đất nghìn năm kinh sử/Để năm trăm năm sau bia đá bảng vàng”(Bên này sông Ô Lâu)
Trăm con sông đều đi ra biển cả. Bên cạnh viết về sông, nhà thơ cũng có không ít bài viết về biển. Biển của quê hương, của đất nước, của tình thương, của con người và cuộc sống ấm no hạnh phúc: “Mùa xuân này anh ra biển cả/Còn đây những âu thuyền cảng cá”. Biển gắn liền với kỷ niệm của tình yêu: “Một chấm xanh giữa trùng khơi/Mùa xuân này anh ra biển cả.../Cồn Cỏ nở đầy hoa/Một chấm xanh anh về”(Một chấm xanh). Biển chứng nhân lịch sử gắn với sự anh dũng chiến đấu của những người con ưu tú: “Nơi này chị đã nằm/Sớm chiều nghe sóng hát/Nghe tháng năm dào dạt/Nhắc những điều mến thương”(Ở một chân trời yêu thương).
Nếu như trăng trong thơ Hàn Mặc Tử đẹp một cách lạnh lùng, kì dị “Trăng nằm sóng soài trên cành liễu”. Trong thơ Xuân Diệu, trăng là nhịp cầu nối về tình yêu, thì Võ Văn Hoa lại nói lòng anh như mảnh trăng đang mọc. Trăng luôn gắn bó, bầu bạn cùng thi nhân. Trăng mang sắc thái cung bậc tình cảm đa dạng, mang khuôn mặt nhớ, thương, trong cái sâu lắng, tâm tình của người đang yêu: “Ví dụ trăng tròn bóng/Hai mái đầu giao nhau” (Ví dụ). Trăng trong tình nhớ, tình thương khi phải chia xa: “Mười sáu vầng trăng em mười sáu/Tiếng cười làng nón khuyết vào đâu/Thăm làng mấy bữa muôn đời nhớ/Ai để bài thơ nắng lợp đầu”(Làng Nón). Trăng choáng ngợp giữa không gian bao la: “Trăng lẻ bóng, trăng trôi về đâu?”(Tình ca Ô Lâu).
Nếu vũ trụ này không có nguyệt thì địa cầu sẽ biến dạng, lịch sử sẽ khác đi, con người sẽ thay đổi. Vầng trăng quan trọng biết dường nào đối với sự sống và vẻ đẹp của trái đất này. Nhưng đó là vầng trăng của cõi Trời. Còn một vầng trăng của cõi Người, cõi Mình, vầng trăng của tâm thức: “Anh về với vầng trăng/Đọc thơ tình năm tháng”(Ký ức thanh xuân). Có thể nói, ánh trăng luôn rọi vào thơ anh, làm cho thơ anh đậm đà ý vị, tươi trẻ.
5. Với tình yêu, Võ Văn Hoa viết cũng không phải là ít so với nguồn thơ tình dồi dào đến mức định in thành “từ điển” của một số nhà thơ lớn. Điều đáng chú ý là nét riêng trong thơ tình của anh. Đọc và suy nghĩ, tôi nhận thấy thơ tình của anh không bộc lộ sôi nổi, ráo riết, ồn ào, cuồng nhiệt như Xuân Diệu – ông hoàng của thơ tình. Đây là thơ tình của người lớn tuổi, vì thế rất ý nhị, đằm thắm, trang nhã, lắng sâu, tâm tình, thủ thỉ, một tiếng nói nhẹ nhàng, buồn buồn của một thời hoa mộng chưa xa. Tất cả xuất phát từ một cái tình thực, xúc cảm thực của anh, tạo ra nhiều vần thơ đẹp, thơ mộng cho tình yêu đôi lứa: “Ra giêng anh cưới em/Bên thềm xuân gõ cửa/Còn vui nào hơn nữa/Ra giêng về... cưới em”(Ra giêng anh cưới).
Tuy nhiên, những bài thơ tình hay lại là những thi phẩm mà anh viết về tình yêu của một thời hoa mộng, trong sự chia ly cách xa. Sự chia ly, xa cách ngay từ mối tình đầu của nhà thơ: “Có phải từ bao giờ/Vân vê tà áo mỏng/Cánh chuồn bay trong thơ/Cũng ngân vang tiếng sóng/Anh từ nỗi đau xưa/Quên sao ngày xa vắng”(Thơ tình).
Điều đó cũng hợp lẽ thường tình, vì suốt những năm tháng của tuổi hoa mộng học trò, với những ánh mắt, nụ cười, những rung động đầu đời, và với những tháng năm đất nước bị chia cắt... đã đi vào kí ức của anh. Cảm xúc nhớ thương trong xa cách ấy thường trực trong tình cảm của anh, và khi bắt gặp mỗi hoàn cảnh cụ thể nỗi nhớ lại bùng lên, tạo những ý thơ, tứ thơ, hình ảnh thơ xúc động trong những bài thơ sâu lắng: “Em hát tình ca đọng mật đời/Dấu tình như thể chẳng buông lơi/Anh mang gió nắng chiều rung nhẹ/Đi tận chân mây đến cuối trời”(Người hát tình ca). Anh đã bộc lộ những cung bậc của tình yêu, nhờ vậy nhà thơ đạt tới chất trữ tình bền vững. Với bút pháp liên tưởng tạo nên sự lung linh, huyền diệu, và một chất men tình ái cho thơ. Thời gian luôn được ngoái nhìn về quá khứ, không gian luôn cách xa, chia cắt.
Thơ tình của Võ Văn Hoa là mạch tình cảm chân tình. Anh không che đậy lòng mình, cũng không khoa trương thi vị hoá. Thơ anh như là lời tâm sự, mà thấu hiểu lẽ đời, tình người, thấm thía từ cảm nhận xót xa, cay đắng trong tình nhớ, tình buồn: “Bổng dưng trời đổ thay màu/Em về buổi ấy nghe đau nhân tình/Lời yêu từ độ chúng mình/Để còn góc cạnh hành trình vời xa/Bỗng dưng ngừng bặt khúc ca/Khoảng không nỗi nhớ còn ta với mình” (Còn ta với mình).
Đến những nỗi buồn thấm thía thiết tha, đau đáu, dang dở của cuộc tình vẫn tìm chốn nương nhờ, ẩn khuất giữa đất trời, thiên nhiên: “Anh về thăm lại Đakrông/Cô gái năm xưa đã lấy chồng/Cầu treo như nhắc ngày xưa cũ/Anh mãi đi về một nhánh sông” (Đakrông)
Độc giả thực sự xúc động trước những suy nghĩ trải nghiệm về tình yêu của anh, dù vui hay buồn, đủ đầy hay dang dở, gần gũi hay chia ly, hiện thực hay mong ước... đều xuất phát từ tính thực. Tính thực là cái gốc để có thơ hay, nhất là với thơ tình, và thơ tình của Võ Văn Hoa có cái gốc vững chãi ấy: “Mai em có về/Huyện trũng quê anh/Ngày mới quê hương trên đường đổi mới/Bão lụt qua rồi-xốc hành trang đi tới/Hải Lăng ơi quê mẹ anh hùng!/Mai em có về.../Về làm dâu quê anh!”(Huyện trũng).
Võ Văn Hoa luôn hiểu rõ những giới hạn mà mỗi người vượt qua khó khăn trong tình yêu, có lẽ vậy hơn một lần anh tự bạch: “Em đi ngang còn thơ thì đi dọc/Em và thơ ngang dọc suốt đời tôi”.
Viết về đề tài tình yêu, Võ Văn Hoa có cái nhìn, cách thể hiện riêng. Đó là sự chân thành, mộc mạc, đậm đà, không cầu kỳ, bay bổng, choáng ngợp để đưa tâm hồn ta vào thế giới tình ái mông lung, ảo hoá. Là cái cụ thể của người yêu cụ thể, được thi vị hoá thành thơ rất thật, gần gũi với đời thường, như những gì vốn có của nó: “Ngày em hai mốt tuổi/Người trồng cây si đứng vệ đường/Áo trắng tung bay chiều ngược gió/Đôi mắt vô tình thương đến là thương!”(Ngày em hai mốt tuổi).
Tôi thiết nghĩ, trong tình yêu cũng cần bình đẳng. Có cái rạo rực xao xuyến của tình yêu tuổi trẻ, có cái sâu lắng, thâm trầm của lớp người lớn hơn. Đều cần cả. Tình yêu trong thơ anh không chỉ có “hoa thơm trái ngọt”, mà còn cả “trái đắng”. Đây chính là chất giọng riêng, một cung bậc không giống ai của thơ tình Võ Văn Hoa.
6. Sau chiến tranh, đặc biệt sau đổi mới, thế giới thi ca mở rộng biên độ và phong phú, đa dạng hơn. Và vì thế, những cây bút mới có điều kiện tìm tòi nghệ thuật thể hiện, không tỏ ra lạnh nhạt với những thể thơ cũ, nhưng đồng thời cũng mạnh dạn hơn. Hoà tấu cùng dòng chảy đó, Võ Văn Hoa đã thể nghiệm các thể thơ tự do và thơ văn xuôi, chủ động sáng tạo trong kết cấu, ngôn ngữ, hình ảnh... Có gì tai hại hơn khi phải nệ theo một khuôn mẫu cứng nhắc, làm rơi rụng hết những ý tứ phong phú. Ý tứ càng phong phú, cách tư duy càng đa dạng cần phải tìm đến các dạng thức phong phú trong kết cấu tác phẩm như Tiên Điền, Tình ca Ô Lâu, Í a Xuân, Email xuân, Quà tặng... Mạch luận lí không thật rõ, nhưng có phải trạng thái tâm hồn ảo huyền, “thất tình” là dòng chảy mạch ngầm trong thi phẩm Tình ca Ô Lâu. Thế nhưng, hai câu thơ toàn thanh bằng đã tạo nên một sự nhẹ nhàng như đôi cách thiên thần dẫu có chút vô vọng, xót xa: “Dòng sông Ô Lâu-Em đi về đâu?/Dòng sông Ô Lâu-không còn em-tôi đi về đâu”. Hay khi anh thể hiện những suy tưởng thế sự, những tâm tình sử ký, anh lại dùng thơ văn xuôi như bài Tiên Điền, Vĩ thanh Thành Cổ. Trong bài thơ Tiên Điền anh viết:
“Tế Hanh có “Bài học nhỏ về nhà thơ lớn” chuyện hôm nay có khác hơn. Trẻ em ở đầu làng đã đọc thuộc Kiều đương nhiên còn tận tường chỉ cho tôi đường về mộ Nguyễn.
Tiên Điền tôi qua một lần thôi. Nhưng người giảng Kiều lâu năm trong tôi sẽ nhập thần hơn từ buổi sớm mai này”.
Võ Văn Hoa có cách nói hội tụ và thắt nút vấn đề, nên bên sau câu thơ, bài thơ thường có cái tứ chung, từ đó, vực dậy đem lại cho bạn đọc những cảm xúc bất ngời, mới mẻ. Thơ anh ít triết lý, hầu như anh không cố tình triết lý, nhưng nhiều cảm xúc đến độ chín, tự nó trở thành triết lý cho thơ như bài Chớp bể, “Chuột bạch” ơi! chẳng hạn: “Người đi rừng nhìn từ phía bể/Nhà nông nhìn tổ kiến trên cao/Anh yêu em nhìn từ đôi mắt”; “Người tuổi Tý sành điệu ít nói/Nhưng nói ra triết lý dịu dàng”.
Với cách thể hiện linh hoạt như thế, thơ anh có khả năng đi sâu vào những vấn đề rộng lớn của quê hương, đất nước, những vấn đề đời tư-thế sự, và cả miền sâu thẳm của tâm hồn. Như thế, có ai dám bảo những miền đó không tiềm tàng những điều chân thật nhất, đáng nghĩ suy nhất!. Thơ anh mang sắc thái, dáng vẻ hiện đại (thể thơ, kết cấu, ngôn từ, tư duy...), nhưng vẫn lưu giữ, vang vọng một trình tự dân tộc, một màu sắc dân dã, và những nếp nghĩ cổ truyền: “Ăn gạo mòn răng mà chẳng biết/Hôm qua mạ nói:Gạo ba trăng/Mới hay gạo cá thơm tình mạ/Trời đất!Con quên cả chị Hằng ”(Gạo ba trăng).
Thơ Võ Văn Hoa thể hiện trên nhiều chủ đề, đề tài khác nhau, tạo nên sự phong phú và đa dạng. Từ tập thơ Còn ta với mình đến tập thơ Gió cuối mặt sông đã vươn ra khỏi những nẻo đường nhỏ hẹp, là một thế giới thơ rộng lớn, phong phú, khoáng đạt. Cảnh sắc quê hương, ất nước, con người, tình yêu... được mở mang, tạo điều kiện cho độc giả khám phá thêm nhiều điều mới mẻ. Với những mảng thơ này làm dịu mát tâm hồn ta.
Trong dòng chảy của nền thơ ca đương đại, Võ Văn Hoa không gây ồn ào, sóng gió như nhiều nhà thơ khác, nhưng ở anh có cái trung thực, tinh tế và sự trong trẻo... lại vốn là chất thơ của anh vẫn thấm sâu vào lòng bạn đọc trong nhiều thế hệ qua. Điều đó đã góp phần lý giải vì sao Võ Văn Hoa là một trong rất hiếm nhà thơ thuộc thế hệ U55 nhưng không bị già cũ, và có khả năng đồng hành được với nhiều thế hệ. Thế hệ nhà thơ trẻ ngày nay ắt có những điều khác với thế hệ nhà thơ Võ Văn Hoa. Thế nhưng, các bạn làm thơ trẻ nhìn thấy ở anh một tấm gương nghệ thuật siêu năng đầy nhiệt tâm, và tìm thấy trong thơ anh nhiều góp ý bổ ích, kích thích thêm sự tìm tòi, thể nghiệm nghệ thuật của mình “Thơ hay như người đẹp - Ở đâu, cũng được lấy chồng”(Chế Lan Viên).
Đọc bài này chắc chú vui lắm nhỉ! Chúc mừng chú có những tác phẩm thơ thật là hay!
Trả lờiXóaCamr on chau nhe. chuc vui ve!
Trả lờiXóa