Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2009

04.5. 2009 THƯ HỌC TRÒ CŨ - NGUYỄN DUÂN ( Giảng viên ĐHSP Huế )

* Sáng nay,mở mail ra tôi vui mừng nhận được một bức thư của người học trò cũ- em NGUYỄN DUÂN, quê Triệu Trung, Triệu Phong nay là NCS, Giảng viên trường ĐHSP Huế. Đọc thư, tôi thực sự xúc động về những tình cảm em dành cho tôi. Cảm ơn em và tôi xin chia sẻ niềm vui này của tôi đến bạn bè! (VVH)

Huế, chiều Chủ nhật 03/5/2009

Thưa Thầy, em là Nguyễn Duân đây. Em đang công tác Trường ĐHSP Huế.

Thầy ơi, thỉnh thoảng em vào blog, đọc thơ của Thầy. Mỗi lần cũng như mọi lần, em đều trào dâng niềm xúc động. Bây giờ cũng thế Thầy ạ. Em đang ngồi viết thư cho Thầy vào một buổi chiều cuối tuần, trời Huế không nắng, không mưa, cứ âm âm u u như thể nhiều tâm sự lắm. Em đang nghe bài hát nh định ơi ta về, phổ thơ của Thầy, trong lúc đánh máy. Bài hát hay quá. Bài hát như đẩy hồn thơ của Thầy lên tầm cao vời vợi. Nó hay bởi ở đó có cả quê hương, có những thổn thức vơi đầy, những tâm sự không bao giờ nói hết của những người con sinh ra, lớn lên từ những cánh đồng chua mặn của vùng đất chiêm trũng bao đời. Hay nói đơn giản, nó đặc biệt hay đối với những người như em sống xa quê. Bài hát đưa em về với bầu trời tuổi thơ đầy tự hào, và đôi khi, thấy sóng mũi mình cứ cay cay...Tuổi thơ qua nhanh quá Thầy ơi...

Em nghĩ em thật tệ phải không Thầy? Sau hơn 22 năm mới gặp lại Thầy trong một chuyến xe đêm rất tình cờ. Hai mươi hai năm. Khỏang thời gian đủ để biến em từ một đứa trẻ thơ hồn thiên, cuộc sống đói nghèo nơi mảnh đất nhiều yêu thương nhưng cũng lắm đắng cay bởi cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi cả trong những giấc mơ, để thành người đứng vững trên đôi chân của mình, để ngẩng mặt cười với đời, một nụ cười rất “hai lúa” rằng ta đã vượt qua tuổi thơ khốn khó. Hai mươi hai năm cuộc đời cho em trưởng thành để có một ngày ngoảnh mặt nhìn lại thấy mình sao mà quá may mắn. Nghĩa tình nào cho em lớn lên may mắn đến thế?

Có nghĩa tình nào cao quí hơn "cơm cha, áo mẹ, chữ thầy". Ngày ấy, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nhưng hạnh phúc thay "chữ" của Thầy thì thừa để cho em có những ước mơ hoài bão, để vươn lên, vượt qua hoàn cảnh. Thầy chắc chẳng nhớ nhiều về em ngày xưa ở Triệu Trung ấy. Nhưng với em, Thầy đã đi vào tiềm thức, có những kỉ niệm bây giờ ngồi nhớ lại cứ tưởng mới xảy ra ngày hôm qua. Với em, Thầy là một trong những người Thầy đặc biệt với những kỉ niệm "đặc biệt". Ước có một lần để ngồi kể lại cho Thầy nghe mà không cần quan tâm đến không gian, thời gian, không cần quan tâm đến những gì đang xảy ra ở hiện tại. Kể khi nào hết chuyện thì thôi. Hạnh phúc lắm. Mới đó mà đã hơn 22 năm rồi Thầy nhỉ!?

Gặp lại Thầy mà nửa tin, nửa ngờ. Thầy vẫn trẻ lắm, vẫn là Thầy, khuôn mặt ấy, giọng nói và cả cái "thần" ấy nữa. Không thể là ai khác. Vậy mà em cũng phải dùng đến câu chào rất xã giao: "Xin lỗi, Thầy có phải là Thầy ...". Nghĩ lại em thấy xấu hổ quá Thầy ạ. Mong Thầy thông cảm cho em Thầy nhé. Cũng may là thầy không thay đổi nhiều về ngoại hình để em còn nhận ra, nếu không thì em còn đáng trách nhiều lần hơn thế.

Lại nói về thơ của Thầy. Đã đôi lần mang thơ của Thầy trên tạp chí Tài hoa trẻ đi khoe với chúng bạn trong cơ quan đầy vẻ tự hào "Thơ của Thầy tôi đấy, hay lắm đấy...". Lạ chưa, may mà khoe với mấy đứa bạn chẳng khá lắm về văn chương (vốn là dân tự nhiên chính gốc), chứ không lại đi khoe tác giả mà nhiều người đã biết, đã xuất hiện khá quen thuộc trên văn đàn tỉnh nhà và cả nước, đã xuất bản nhiều tác phẩm với người rành văn chương thì buồn cười quá. Gặp lại Thầy em được đọc thơ Thầy nhiều hơn. Em không đủ tri thức văn chương và sự trải nghiệm cuộc đời để nhận định một cách thuyết phục về thơ Thầy. Em chỉ biết yêu là yêu, thích là thích. Như người ta yêu nhau nhưng không giải thích được vì sao yêu. Yêu là yêu, thích là thích, đơn giản thế thôi!

Đã có một thời học sinh em nghĩ mình sẽ đi theo con đường văn chương. Rồi cũng được chọn vào học trường chuyên, lớp chuyên văn. Đứng tên mình trong danh sách lớp chọn văn suốt một thời THPT. Cũng đôi lần đi thi HSG văn các cấp, cũng đôi lần có giải bé tí ti... Nhưng văn chương khó lắm thầy ạ. Hiểu được văn là đã khó, mà sáng tác văn chương còn khó hơn. Có lẽ ai không được trời phú cho năng khiếu văn chương thì có thích cũng chịu. Bao năm theo học và nghiên cứu ngành học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, em cũng không dành nhiều thời gian để đọc sách văn chương. Vậy mà khi gặp thầy, đọc thơ thầy, em say sưa, hồ hởi, nghĩ ngợi, trăn trở... Lại mang thơ Thầy khoe với vợ nữa. Làm cho vợ ngạc nhiên: “Ô hay, sao anh đang viết luận án mà lại thích đọc thơ vậy?” (lời của vợ em).

"Văn là người", câu nói đó rất đúng với Thầy. Nói một cách chủ quan rằng ai đã từng gặp Thầy, đọc thơ Thầy thì câu nói trên trở thành chân lí, không thể chối cãi. Thơ Thầy không đơn giản là nơi gửi gắm, chia sẻ tâm sự, không đơn giản là "chắt lọc từ mạch nguồn làng Thi Ông nơi anh sinh ra và lớn lên với biết bao kỉ niệm của tuổi thơ" (Phùng Ngọc Diễn, Truyện ngắn và Tản văn, NXB Văn hóa dân tộc, 2005). Thơ Thầy còn làm con thuyền đưa những người con sinh ra và lớn lên trên đồng ruộng ấy, lũy tre ấy, con sông ấy, vồng cải ấy, đụn rơm ấy, bếp củi ấy... về lại với quê hương, dù là trong tâm tưởng. Thơ Thầy làm cho con người ta yêu quê hương hơn, yêu nghề hơn và tất nhiên, yêu người hơn. Đọc thơ Thầy, độc giả có thể tự cảm nhận “dòng quê hương” luôn âm ỉ hay cuộn chảy trong tâm hồn mình. Đôi khi, nơi cuộc sống đô thị ồn ào, nơi phồn hoa cát bụi đầy bon chen của xã hội đương thời, họ cũng tìm thấy được sự bình an trong tâm hồn khi gặp những câu thơ của Thầy. Bởi đơn giản ai cũng biết câu nói, đại ý là “anh có thể tách con người ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Không ai chọn được cha mẹ, chọn được quê hương của mình. Bởi thế họ chỉ có một mà thôi. Trong góc khuất của tâm hồn, ai cũng có một vị trí trang trọng dành cho quê hương. Ai cũng biết điều đó. Nhưng không phải ai và bất cứ lúc nào họ cũng cảm nhận được điều đó. Vậy, đọc thơ Thầy sẽ cho họ quay về và nhìn thấy điều đó trong tâm hồn mình. Và như thế, thơ Thầy đã mang lại niềm an ủi, động viên cho họ, giúp họ thấy cuộc đời này thật là vô nghĩa nếu khi nào đó tâm hồn họ đã cạn “dòng quê hương”. Và đồng tiền còn có nghĩa lí gì đâu nếu tâm hồn trống rỗng! Vậy nên thơ Thầy không chỉ cho người đọc nhìn thấy quê hương mà còn giúp họ biết nâng niu, trân trọng và muốn quay về với quê hương bằng cách này hay cách khác. Đó cũng là con đường để họ quay về với chính mình...

Ai là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó ấy, trong đó có những người như chúng em, khi bắt gặp những câu thơ mộc mạc nhưng sâu lắng của Thầy đều dấy lên niềm tự hào về quê hương với vẻ đẹp của hoa cà hoa cải, vẻ đẹp của tình người, của những tâm hồn trong sáng, dịu dàng nhưng lại có sức sống tiềm tàng mảnh liệt. Họ càng yêu quê hương hơn và tất nhiên, họ yêu thương những câu thơ của Thầy. Họ biết ơn những câu thơ của Thầy đưa họ về với nguồn cội, nơi chôn rau cắt rốn. Những câu thơ của Thầy lắng sâu nhưng có sức sống bền vững với những ai có tình yêu quê hương nồng hậu.

Cám ơn những dòng thơ của Thầy cho em sống lại cả tuổi thơ nhiều kỉ niệm. Để em có những buổi chiều thật lắng đọng như thế này để nhớ về quê hương. Đài truyền hình lại báo sắp có áp thấp nhiệt đới, mưa lớn sắp ập về trên những cánh đồng lúa hạt đang dần ngả sang màu vàng của làng ta. Trời ơi! Sao mưa lớn giữa những ngày giáp hạt này! Có kịp thu hoạch không? Lòng cha, lòng mạ, lòng ông, lòng mệ... thấp thỏm lo âu, chốc chốc lại ngửa mặt nhìn đụn mây đen kịt kéo về mà lòng như lửa đốt. Làng ta tội quá Thầy hè!

Chưa bao giờ em lại viêt thư cho ai mà dài như thế này Thầy ạ. Thầy chịu khó đọc cho vui Thầy nhé. Rất muốn được gặp Thầy. Mong một ngày hoàn thành nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp để đền đáp công Thầy, xứng đáng người học trò của Thầy.

Kính chúc Thầy và gia đình sức khỏe, mọi sự an lành!

Học trò của Thầy

Nguyễn Duân

Điện thoại: 054 3885 674; Mobil: 0983 037 595

Email: nguyenhoangduan@gmail.com; nguyenhoangduan@yahoo.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét