Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

08.5. 2009 “KHUNG TRỜI MÂY TRẮNG”

“KHUNG TRỜI MÂY TRẮNG”

HỒN NHIÊN VÀ ĐẦY ẮP TÌNH ĐỜI !

( Cảm nhận thơ Phạm Bá Nhơn)

Từ lâu, tôi vẫn thầm tự hào về một số ít đồng hương tha phương của mình trong đó có Phạm Bá Nhơn. Giờ đây, tôi càng vui hơn khi biết trong những ngày tháng xa quê với nỗi lòng hoài hương canh cánh, ngoài công việc làm ăn bề bộn, anh lại sắp trình làng tập thơ đầu tay của mình với tên gọi Khung Trời Mây Trắng.

Phạm Bá Nhơn sinh ra và lớn lên tại làng Diên Sanh, Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nơi gió Lào rát mặt dải đất nung, anh đã có một thời thơ ấu hết sức gian nan vất vả.
"Theo cha tìm lối lên ngàn
Dãi dầu một kiếp đốt than giữa rừng
Mai về xuôi buớc ngập ngừng
Đồng tiền kẻ chợ đã từng gian nan"
(Lên ngàn)

Anh vật lộn với cuộc sống để học hành và trưởng thành sau lũy tre ở một vùng đất nghèo khó, khắc nghiệt nhưng đầy ắp tình tự để rồi từ giã quê nhà vào đất Phương Nam lập nghiệp. Anh đã lam lũ và cuối cùng đã trở thành một nhà doanh nghiệp. Nhưng dù đi đâu, về đâu, thì quê hương đã trở thành nỗi ám ảnh trong anh, thường trực anh trong những nỗi niềm như ông cha đã dạy Ly hương bất ly tổ:
"... Thơ ấu những lần ta đứng trông
Mẹ về lúc chợ mới vừa đông
Mùi hương bánh cốm bay qua gió
Ngào ngạt hương quê sợi khói đồng."
(Thương quê)

Nỗi nhớ đó càng se sắt hơn nữa theo những chuyến đi xa, khi đặt chân lên những thành phố hoa lệ ở nhiều nơi trên mặt địa cầu:
"Đêm rất thánh từng hồi chuông rộn rã
Một mình ta lạc bước chốn phồn hoa
Lòng quạnh quẽ giữa phố phường xa lạ
Hồi chuông ngân càng gợi nhớ quê nhà."
(Giáng sinh ở Bussan)

Thơ của anh mộc mạc, đơn sơ và hồn hậu như cánh đồng bát ngát, mênh mông sau mùa gặt, nơi chúng tôi tha hồ đuổi bắt, tha hồ gởi cánh diều mơ ước lên trời cao giữa những buổi chiều vàng êm ả, ngọn gió nồm mát rượi Anh vẫn là của ngày xưa:
"Tôi muốn vòng quanh những luỹ tre
Đong đưa nhịp võng giữa trưa hè
Lắng nghe tha thiết lời ru mẹ
Ngọt giọng ca dao mấy điệu vè"
(Tôi muốn)

Cảm động lắm! Khi đang có những ngày vinh quang mà vẫn còn tha thiết với củ sắn, củ khoai để nuôi nấng con người khôn lớn, chẳng khác nào sự nâng niu, lời tạ ơn quá khứ, tạ ơn quê hương và đó chính là nhân cách làm người. Nhưng không phải chỉ có củ sắn, củ khoai mà còn nhiều điều khác nữa... đã trở thành hơi thở, thành máu thịt của anh và của cả chúng tôi:
"... Là đường qua rú qua truông
Là trái sim, trái móc
Ngọt lịm tuổi thơ mấy khúc ca dao
Là mặt nước lung linh con cá móng giữa rào
Là những trưa hè não nùng tiếng Cuốc!"
(Nhớ về Hải Lăng)

Với ý tưởng đến với cái đẹp trong ánh sáng, anh tri ân người đã khuất "Cắm nén nhang thơm giữa mộ phần" - (Viếng mộ), hay "Tôi muốn chiều nay có mẹ về. Để lòng khơi dậy những say mê..." - (Tôi muốn). Thơ anh cũng như con người anh: Chân chất, hồn hậu, lấp lánh tình yêu thương. Nói về tình yêu:
"Em là ngọn gió thổi hiu hiu
Thoang thoảng bay qua những sớm chiều
Nghe như trong cõi mơ hồ ấy
Rót xuống lòng anh nỗi nhớ nhiều"
(Qua đời anh)

hoặc:
"Nơi đây gió nắng chói chang.
Vì thương nên nhặt nắng vàng tặng em..."
(Gởi nắng)

Anh như bao nhiêu người trai khác, tình yêu đã chắp cánh cho anh đến các chân trời xa và pha chút lãng mạn:
"Đêm qua êm giấc mơ màng
Hình như em đến gảy đàn bên tôi"
(Tiếng đàn)

Chủ đề bao trùm tập thơ là cái tâm của tác giả, là tấm lòng chân thật của anh. Anh sẵn sàng chia sẻ, đồng cảm với nỗi đau của nhiều người:
"Dường như vị ngọt sắn khoai
Cũng còn vương vấn theo hoài bên tôi."
(Bữa cơm chiều)

Đọc Khung trời mây trắng của Phạm Bá Nhơn tôi thấy anh chưa hề đi xa, anh vẫn còn ở lại Hải Lăng với chúng tôi, vẫn còn nguyên khung trời tuổi thơ hồn nhiên và đầy ắp tình đời!

23-9-2006.
VÕ VĂN HOA

*Lời bạt trong tập thơ “KHUNG TRỜI MÂY TRẮNG”của Phạm Bá Nhơn (NXB Văn Học- 2006) và đã đăng trong trang www.phambanhon.com

2 nhận xét:

  1. Nhạc sĩ Võ Công Diên người làng em đã gặp và phổ nhạc một số bài thơ của anh Phạm Bá NHơn thầy ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Nhìn hoa phượng là thấy mùa hè đến rồi chú nhỉ! Chú Phạm Bá Nhơn là ở NGãi Giao cái hôm chú hành phương Nam phải không chú?
    Chúc chú và cả nhà ngày mới an lành!

    Trả lờiXóa