Thứ Tư, 13 tháng 5, 2009

15.5.2009 Nguyễn Đức Dũng và Bài áo giấy cho sông

· Tháng 5 năm ngoái, tôi và nhà thơ NGUYỄN ĐỨC DŨNG (quê Quảng Nam) về dự trại sáng tác Văn học Miền Trung do Ủy ban toàn quốc các Hội liên hiệp VHNT Việt Nam tổ chức tại Huế nửa tháng. Duyên kỳ ngộ hai anh em chúng tôi ở cùng phòng và có nhiều kỷ niệm. Kết thúc trại sáng tác , tôi ra mắt tập thơ GIÓ CUỐI MẶT SÔNG- NXB Thuận Hóa, còn anh Dũng mới đây đã cho ra đời đứa con tinh thần đầu lòng- ÁO GIẤY CHO SÔNG và đã gửi tặng tôi.

Chúc mừng nhà thơ NGUYỄN ĐỨC DŨNG !

Xin phép anh HUỲNH MINH TÂM và W VĂN NGHỆ SÔNG CỬU LONG cho tôi đăng lại bài viết sau đây để chia sẻ những người yêu mến tôi và bạn tôi! (VÕ VĂN HOA)

Nguyễn Đức Dũng và Bài áo giấy cho sông
Huỳnh Minh Tâm

Như có lần tôi đã giới thiệu trên một bài viết, ở vùng đất Quảng Nam những năm gần đây nổi lên hai nhà thơ có giọng điệu rất lạ, nội lực sung mãn và niềm say mê thơ điếu đổ, đó là Đỗ Thượng Thế và Nguyễn Đức Dũng. Có điều đặc biệt là cả hai anh đều được đất Điện Bàn dung dưỡng truyền cốt. Người viết bài này có cảm nhận, dường như ở thời điểm nào Điện Bàn cũng "sinh nở" được các văn nhân thi sĩ và nhạc sĩ tài hoa, không kể ở những lĩnh vực khác. Chỉ nghiên cứu ở những thập niên gần đây, như tôi biết, có Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Chiến, Nguyễn Ngọc Hạnh, Mai Thanh Vinh...Gần đây nhất là Phạm Tấn Dũng với tập thơ Phía sóng cũng gây được tiếng vang trong lòng độc giả xứ Quảng. (Xin lỗi những nhà văn, nhà thơ khác tôi không kể tên ở đây, hoặc quê xứ Điện Bàn đi làm ăn xa, hoặc ở quê khác chọn Điện Bàn làm quê hương). Chất thơ Điện Bàn cũng rất lạ : sắc sảo, phóng khoáng, gân guốc, và dường như nặng phần lý trí (chung vậy, còn mỗi ngưòi mỗi khác là hiển nhiên). Điều đó sẽ có một bài nghiên cứu kỹ và sâu hơn. Ở đây, lan man như vậy cũng chỉ để hiểu sâu thêm về nhà thơ Nguyễn Đức Dũng.

Nguyễn Đức Dũng sinh năm 1958, quê nội ở thôn Phú Đông, Điên Quang, Điện Bàn, hiện sinh sống ở Thành Phố Tam Kỳ. Dáng người anh nhỏ thó, đen ngòm như hòn than, lại có bộ râu đậm đen trông thật khắc khổ," nghinh ngang". Mà cũng thật vậy. Cuộc đời của anh lên thác xuống ghềnh, như bị ông Trời đày ải (có vậy mới làm thơ chăng ? để xưng tụng mối sầu của tâm hồn, cái trắc trở của số phận ?).. Có lần tôi nghe anh tâm sự mình như một hòn đálăn không được phép mọc rêu. Cuộc sống chưa bao giờ ổn định. Công việc luôn luôn thay đổi. Rồi anh "trào lộng" tên mình là chẳng có gì "đức" "dũng" cả !. Nói chơi vậy thôi chứ cái "đức', cái "dũng" của anh thì anh em văn nghệ đất Quảng ai cũng hiểu và chia sẻ. Tính tình anh thật trầm lặng, chân thật và dễ mũi lòng. Thơ anh thì tràn trề tính nhân văn, chất lửa của tình yêu đất đai và quê hương. Dũng có nhiều bài thơ ấn tượng, nhiều câu thơ "mộc mạc" gây sốc cho bạn đọc. Bài thơ bài áo giấy cho sông của anh đã đăng nhiều báo trung ương và cả địa phương, đọc mãi vẫn cảm thấy một sức hút ngôn ngữ hoặc chất thơ "nghinh ngang" có sức lan toả trong lòng. Dũng bảo nó là bài văn tế cúng một đoạn sông mang nhiều tâm linh riêng tư, trong đó hình bóng người cha kính yêu và tội nghiệp củaDũng đã lần mò từ khi thơ dại và những năm tháng cuối đời khổ luỵ của ông. Thưc ra, đọc toàn bộ bài thơ ta chẳng gặp một từ "cha" nào cả.Nhưng quả thực, ở nó ta cảm nhận sự thăng trầm của một số phận, sự gắn bó thân hiết máu thịt của con người với quê hương, của tâm hồn mộng ảo với cây cỏ đất đai.

Đem một khúc sông đi rồi chẳng đem về

Ký ức ở trần bỏ quên mất áo

Lau bói đã xanh tràn biền bãi...

Chòng chành tuổi tác cập vào đâu ?

Ý tưởng và hình ảnh đoạn thơ trên của anh thực ra không mới. Thi nhân Nguyễn Du đã có Trải qua một cuộc bể dâu/ những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Nhưng lạ lắm, cách nói cách thể hiện của Dũng lúc này vừa lãng đãng vừa day dứt. Những từ ngữ anh dùng "đem", "ký ức ở trần", "chòng chành tuổi tác" làm dấy lên một thi pháp mới. Nếu nói không quá ca tụng, thì đó là một sự sáng tạo độc đáo của riêng anh. Đến đây chợt nhớ thơ của nhà thơ Phùng Tấn Đông. Anh cũng có những câu thơ "đậm đà đau đớn" :sông đã chảy những róc rách đời đời mồ côi đất đá dỉnh núi thiêng Ngọc Linh ra cửa Đợi/ chảy lấp loá lưng trần gai xước nước mắ tổ tiên thời qua sông vỡ đất gieo mầm. "rằng hay thì thật là hay, nghe ra có vẻ chất phương tây nhiều"( là nói vui thôi !). Đức Dũng mộc mạc sầu đau, chưng cất nỗi đau bằng từ ngữ sắc sảo, gọn ghẽ.

Hôm sớm tuồng như sầm sập qua cầu

Bóng đò khuất bảy đời dương còn neo tiếng ới

Thương nhớ chóng bồ bồ chỗ đợi

đời người vuốt mặt đời sông.

Khai triển ý thơ thấy lại một quá khứ nhièu mặc cảm, đày đoạ. Cuộc sống với bao âu lo nặng nề cơm áo.Sông và người cũng chôn chân nhau trong cuộc mưu sinh và lòng trắc ẩn. "rằng sông kia/ rằng người đi/ có cùng câu chuyện của đời chảy quanh/ ta còn mắc nợ nguồn xanh/ lang thang mấy cõi đi về đất đai". (sông-Nguyễn Trung Bình-trong tập núi gọi biển).

Ngày xế khòm lưng khẳm nỗi sào không

mớn cũ nương nhau chống chèo mấp mé

tôi từng dịp trăng về không thấy bạn

sắp mụt măng còng roi quất chẳng buồn đi...!

Tới khổ thứ 3, tác giả mới hé lộ một nỗi niềm đơn độc bao la cái tự ngã. Ánh trăng le lói trên con đường cát bụi phù vân. Nhưng cũng chỉ có một ánh trăng nhỏ mềm bảng lảng khói sương để ru mộng đời người, mà "ngựa người" vẫn 4 vó không cất bước dời chân nổi. Trong niềm bi thương thống thiết ấy, có gì hơn chăng ?

tưởng nghinh ngang thiên hạ hải hồ

ngửa mặt phơi càn chín phương nắng gió

về đây bụm một sắc trời xanh ngợp người quá kể

sóng không hình đứng cạn mà...say !

có thể nói, khổ cuối tác giả đã dành hết tâm can, sức lực "thét" lên một tiếng cuộc sống đầy bất hạnh, mang mang tính nhân văn. Từ ngữ anh dùng rõ nét Quảng Nam, đắc địa. "bụm một sắc trời xanh" là một hình ảnh mới lạ, cuồng say, và trước mặt là tình yêu đau đớn rút rụôt, một niềm say nồng với khát vọng hạnh phúc và cuộc sống miên viễn an bình.

Xuyên suốt bài thơ, tác giả dã dùng những ngôn từ "quá liều lượng, quá độ" để về quê thắp một lòng hương khói/ một đời áo giấy đốt cho sông. Nghiêng một tí chút nữa thôi là tham vọng từ ngữ, là sính nỗi "lệ tràn mi'., như "sầm sập',"khòm lưng" ,"khẳm, "còng"...Nhưng dường như thiên phú, Nguyễn Đức Dũng đã biết dừng lại đứng lúc, đúng chỗ. Quá khứ buồn đau như thế là vừa. Không biết tôi có "quá chén" hay "tri kiến bất toàn" chăng ? Ngẫm nghĩ mãi, bài thơ hay có lẽ ở chỗ lòng người trong vắt, ở chỗ chân thật biêt trân trọng, yêu quí con người, cuộc sống ,dẫu đôi lúc phải cắn bầm nát môi. Dường như Nguyễn Đức Dũng đã "ngộ " ra bao điều thơ ca. Thành thật chúc anh thành công trên con đường gian truân này./.


Huỳnh Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét