Thứ Năm, 12 tháng 6, 2008

13.6. 2008

MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ THƠ VÕ VĂN HOA


■ ...Bài Gạo Ba trăng là một trong những bài tứ tuyệt hay của Võ Văn Hoa. Từ hạt gạo, tác giả bộc lộ được suy nghĩ của riêng mình. Bốn câu thơ chắc mộc, giản dị mà thấm thía:
Ăn gạo mòn răng mà chẳng biết
Hôm qua mạ nói gạo ba trăng
Mới hay gạo cá thơm tình mạ
Trời đất con quên cả chị Hằng!

Võ Văn Hoa khai thác đề tài ở nhiều góc độ khác nhau. Ngoài mảng thơ tình yêu , thơ thế sự, trong tập Gió cuối mặt sông, Võ Văn Hoa còn có mảng thơ đậm nét về con người vùng đất Quảng Trị như: Tích Tường, Quê mẹ Hải Lăng, Gửi con gái ngoài Gio Linh, Gặp ở Đông Hà, Nước đã về trên cánh đồng Triệu Hải, mẹ ơi...Từ những gì thu lượm được trong cuộc sống, Võ Văn Hoa đã giãi bày tâm sự bằng thơ. Thơ Võ Văn Hoa có cảnh thực, tình thực và đã có được những câu thơ mang được vẻ đẹp , chất men say của ý nghĩ, cảm xúc...
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
(Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam)

■…Thơ “ký ức” là sự đậm nét của thơ Võ Văn Hoa. Viết thể loại này tùy thuộc vào tâm trạng của mỗi người. Nhưng viết hay và được độc giả cùng chia sẻ đồng tình, đồng thuận không dễ dàng gì. Ở Võ Văn Hoa, tôi đã thấy anh trải dài ký ức của vài chục năm lăn lộn với nghề, với người…
Phùng Ngọc Diễn
(Truyện ngắn và Tản văn - NXB Văn hóa dân tộc – 2005 )

■ Đọc thơ của thi sĩ Võ Văn Hoa, tôi đồ rằng thơ của anh được chắt lọc từ mạch nguồn làng Thi Ông nơi anh sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm của tuổi thơ.
Võ Văn Hoa ra đi từ làng quê bên dòng Vĩnh Định, đã “dời đô” để làm người của phố thị, đã đi qua bao dặm dài đất nước, rồi lại quay về nơi anh đã ra đi, như không thể nào dứt được với khung trời kỷ niệm của tuổi hoa niên:
“Cơn mưa đầu mùa xối xả ngoài hiên
Có một người trong tim bão nổi
Tôi đi ngược phía chiều gió thổi
Cõi lòng ơi! Sao dứt thuở đi về !”
(Bão)
Hay có phút giây lòng anh thảng thốt:
Dẫu đi trăm vạn nẻo đường
Không quên bóng mẹ áo sờn vá vai
( Tháng giêng về Đồng Búng)
Không điệu đàng, đánh bóng câu chữ , không triết lý rối rắm đánh đố bạn đọc, thơ Võ Văn Hoa cứ hồn nhiên tuôn chảy, lắng sâu trong lòng bạn đọc với một chữ Tình: Tình yêu gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp; tình yêu quê hương , đất nước…
Từ tập thơ đầu tay ”Còn ta với mình”- NXB Thanh niên- 2004, Giải B, giải sáng tạo VHNT Quảng Trị- 2004 đến tập “Gió cuối mặt sông”- NXB Thuận Hoá, Võ Văn Hoa vẫn một mạch thơ đa mang cảm xúc trữ tình như thế.
Trương Đức Minh Tứ
(Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Trị)

■ Thơ Võ Văn Hoa nhẹ nhàng đôn hậu như Hoa Dã thảo - Loại hoa mà anh yêu thích. Lăn lộn, gắn bó với quê hương Quảng Trị kiên cường, bất khuất nhưng anh vẫn “nặng lòng với Huế” để nhớ về một thời hoa bướm mộng mơ.
Mai Văn Hoan
Báo Thừa Thiên Huế số 232 trang thơ cuối tuần (24-27 tháng 6/2004)

■ “ Một sắc thái tình yêu khác của nhà thơ Võ Văn Hoa:
Dòng sông Ô Lâu – Em đi về đâu ?
Dòng sông Ô Lâu – không còn em - tôi đi về đâu ?
(Tình ca Ô Lâu)
Hai câu thơ toàn thanh bằng, hơi thơ mênh mang, nhẹ như đôi cánh thơ bay trong bầu trời thất tình với sự phản chiếu của dòng Ô Lâu cô đơn lên nền trời vô định. Tình yêu của thi nhân ảo huyền, xót xa, vô vọng mà vẫn nuôi hi vọng”.
Nhà thơ Hoài Quang Phương
(Những câu thơ chín, hái về - Tạp chí Cửa Việt số 148 (01-2007 )

■ “Mỗi gương mặt có nét thơ riêng song đều lớn mạnh trên bậc thang thời gian :..Thơ Võ Văn Luyến…nhẹ nhàng triết lý, Võ Văn Hoa… trữ tình”

(Nhìn lại 100 số CỬA VIỆT-Tạp chí Cửa Việt số 100 (01-2003))

■ “Hai nhà giáo, hai anh em ruột làm thơ Võ Văn Hoa và Võ Văn Luyến có lẽ không còn quá xa lạ đối với bạn đọc. Võ Văn Hoa dường như tâm đắc với văn xuôi, thể hiện được nhiều suy tưởng qua những trữ tình thế sự. Trong bài thơ “Tiên Điền” anh viết:
“Tế Hanh có “Bài học nhỏ về nhà thơ lớn” chuyện hôm nay có khác hơn. Trẻ em ở đầu làng đã đọc thuộc Kiều đương nhiên còn tận tường chỉ cho tôi đường về mộ Nguyễn.
Tiên Điền tôi qua một lần thôi. Nhưng người giảng Kiều lâu năm trong tôi sẽ nhập thần hơn từ buổi sớm mai này”.
Cũng vậy, bài thơ văn xuôi “Vĩ thanh Thành Cổ” chan chứa tâm tình sử ký của một người dạy học và làm thơ:
“ Những mảnh vụn phế hưng cuộc đời. Cậu học sinh tú tài và nỗi đau thế sự. Cả Thị xã máu trộn cùng vôi vữa trắng thời gian. Dòng Thạch Hãn như vết cắt nhói tràn đất mẹ.
...Giờ Thành Cổ hôm nay đã hồi sinh dáng phố và em đã là cô giáo. Bài giảng trực quan: Sau trước, xung quanh. Dẫn các em đi trong lưu dấu Cổ Thành”.
Phạm Xuân Dũng
(Báo Quảng Trị cuối tuần số 1542,ngày 1/01/2003)







2 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh đã chỉnh sửa kịp thời, chắc là do lỗi kỹ thuật vi tính. Chúc "Gió cuối mặt sông sớm" ra mắt bạn đọc. Thân.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc những nhận định trên giúp con hiểu thêm về thơ của chú! Từ lúc biết Blog chú…con vẫn thích đọc các bài thơ của chú…vì đâu đó nó gắn liền với hình ảnh làng quê, thật thân thương gần gủi chú ah! Hình như những hình ảnh về quê hương QT luôn thể hiện trong thơ chú!
    Nhìn hình chú và chú Võ Văn Luyến…giống nhau y chang hà!
    “Đêm trú ngụ tim đại bàng thế đấy. Anh hoá vào cây cỏ “một chấm xanh”(1)….. Câu trên quen lắm phải không chú? “Một chấm xanh” là ý thơ của chú… đúng không nào? Hihi
    Chú sắp ra tập thơ mới ah? Vui chú nhỉ!

    Trả lờiXóa