Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

08.10. 2008 CAO BÁ QUÁT- ĐỜI VÀ THƠ


Kỷ niệm 200 năm sinh Cao Bá Quát (1808-2008)

CAO BÁ QUÁT- ĐỜI VÀ THƠ

ND- Là một trong hai thi nhân từng được vinh danh "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán", Cao Bá Quát qua đời cách đây chừng trăm rưỡi năm và ông đã để lại số lượng thơ văn vào loại nhiều nhất so với tất cả các tác gia thời trung đại. Ngày 7-10-2008, một cuộc hội thảo về sự nghiệp của ông đã được tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội).

Cao Bá Quát (1808-1855), tự là Chu Thần, hiệu Cúc Ðường và Mẫn Hiên, quê ở làng Phú Thị (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). So với nhiều nhà nho đương thời, Cao Bá Quát được coi là người thông minh, từng trải, đi nhiều hiểu rộng nhưng không gặp thời, không có "đất dụng võ". Vào năm Tân Mão (1831), Cao Bá Quát thi Hương, đỗ Cử nhân. Mùa xuân năm sau, ông tiếp tục vào kinh đô Huế thi Hội nhưng không đỗ. Trong cuộc đời làm quan với nhà Nguyễn của ông đã trải qua nhiều thăng trầm, ông từng bị điều đi "dương trình hiệu lực" ở Hạ Châu, Tân Gia Ba (Xin-ga-po) rồi trở về làm việc ở Bộ Lễ và Viện Hàn lâm... Cuối cùng ông về nhận chức Giáo thụ ở phủ Quốc Oai, Hà Tây rồi tham gia cuộc chiến "giặc châu chấu", phất cờ khởi nghĩa.

Thực tế cho thấy việc nghiên cứu về nhà thơ xếp hạng "vô tiền Hán" này lại chưa tương xứng tầm vóc danh nhân và những giá trị tinh thần mà ông để lại. Ðiều này có lý do trước hết bởi số lượng lớn tác phẩm của ông (gồm 1.353 bài thơ và 21 bài văn xuôi) mới chỉ đến với bạn đọc được một phần nhỏ. Thêm nữa, các bài thơ hàm súc, chất nặng suy tư này dù đã được phiên dịch, chú giải kỹ lưỡng vẫn không dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ phổ biến - càng không dễ đan kết, nắm bắt theo từng chủ đề, từng phạm vi nội dung cụ thể. So với các tác gia như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,... có thể nói công việc phiên dịch văn bản và nghiên cứu thơ văn Cao Bá Quát về cơ bản vẫn còn là câu chuyện ở phía trước.

Cao Bá Quát sống trọn vẹn vào giai đoạn triều Nguyễn. Cả cuộc đời và thơ văn Cao Bá Quát đều đứng hẳn về bờ bên này của lịch sử, thuộc về giai đoạn nửa đầu thế kỷ 19. Những vấn đề đặt ra cho xã hội và cho chính Cao Bá Quát vẫn còn lẩn khuất trong lớp khói sương mờ ảo, chưa phải đã hiện hình rõ nét. Với tư cách là nhà trí thức nho sĩ yêu nước, ông trăn trở suy nghiệm, kiếm tìm nhưng trước sau vẫn đành bất lực với những suy tưởng trong thơ, với một trời câu hỏi chưa có lời giải đáp. Một cách chắc chắn, ông đã đúc kết được trạng thái không khí xã hội giai đoạn nửa đầu thế kỷ, đồng dạng với cách cảm nhận của nhiều nhà nho đương thời như Phạm Văn Nghị (1805-1881), Vũ Phạm Khải (1807-1872)... Một cách không thật chắc chắn, ông đã dự cảm cho bước ngoặt một cuộc biến thiên lịch sử đang cận kề, báo hiệu sự ra đời những tiếng nói canh tân quyết liệt của một thế hệ trí thức nho sĩ nối tiếp ngay sau đó như Phạm Phú Thứ (1821-1882), Ðặng Huy Trứ (1825-1874), Nguyễn Trường Tộ (1828-1871)... Có thể nói các đặc điểm mang tính thời đại này đã chi phối sâu sắc khả năng đổi mới cảm xúc, đổi mới cách nhìn về thực tại và các chủ đề truyền thống trong thơ Cao Bá Quát ở mọi giai đoạn sáng tác.

Nếu trong thời gian chịu tù tội, Cao Bá Quát thường âu lo, than thân trách phận thì chỉ với nửa năm trời xuất dương đã cho ông thấy cả một chân trời mới, con người và lối sống mới. Vốn là người không chịu nếp sống tù túng, Cao Bá Quát thấy hân hoan bởi nhờ chuyến công cán chuộc tội này mà có dịp mở rộng tầm hiểu biết. Mở cửa nhìn ra thế giới, dẫu chỉ mới chạm đến phần đất thuộc địa của phương Tây, Cao Bá Quát đã cảm nhận được tầm vóc thế giới hiện đại và tự phản tỉnh, phản vấn, thành thực soi nhìn lại vốn kiến thức xưa cũ, lạc hậu: Hoạn du tỉnh thức ngư thiên lý - Ngu kiến chân thành báo nhất ban (Có cuộc hoạn du mới biết cá lớn nghìn dặm - Kiến thức hẹp hòi, khác nào nhìn con báo chỉ thấy một vằn)...

Ðặt trong bối cảnh lịch sử - văn hóa - xã hội nửa đầu thế kỷ 19 và trong tư cách một nhà nho thi nhân, Cao Bá Quát chỉ có thể nhận thức về đời sống thực tại theo cái cách mà thời đại ông quy định và theo mức độ kiến văn mà ông có thể có được. Ðương nhiên ông chưa thể hình dung ra được một mô hình xã hội nào khác hơn nhà nước phong kiến với chế độ vua quan và thiết chế đạo đức tam cương ngũ thường. Vì lẽ đó khả năng nhận thức thực tại của nhà nho Cao Bá Quát chủ yếu thể hiện ở những xét đoán thế sự, đạo lý, thiên về dự cảm, dự báo ban đầu. Với tư cách một thi nhân từng được vinh danh "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán", thơ Cao Bá Quát đã thâu nạp được năng lượng thời đại, góp phần nới rộng diện đề tài và tầm bao quát cuộc sống thực tại, khai thác sâu hơn dự cảm đời sống nội tâm con người trước cơn giông bão từ phương Tây đang cận kề phía trước... Cảm phục Cao Bá Quát, nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) có bài thơ Ðến Gia-các-ta, nhớ Chu Thần. Sức mạnh tinh thần của họ Cao đã được Sóng Hồng nâng tầm và đối sánh với thế giới tự nhiên, thế giới của vũ trụ và vầng trăng vĩnh hằng trong hai câu kết của bài thơ: Trăng kia khi khuyết khi tròn - Tinh thần phản kháng vẫn còn sáng soi... Cùng với thời gian, qua thời gian và trước thử thách của thời gian, vầng trăng kia vẫn "khi khuyết khi tròn" và chỉ có tinh thần của họ Cao là mãi vững bền, siêu việt qua thời gian, trở thành bài học sáng soi cho mọi kiếp con người.

NGUYỄN HỮU SƠN

Nguồn: Báo NHÂN DÂN số 19406 ra ngày 08.10.2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét