BỂ DÂU MÀ KHÔNG BỂ ĐÂU ANH!
LÊ QUANG THÁI
* Nhà báo NGUYỄN HOÀN mệnh danh là Nhà Trịnh học có nhiều bài nổi tiếng viết về nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Lần này”cảo thơm lần dở trước đèn”, tôi tình cờ đọc bài của GS Lê Quang Thái- quê Triệu Thành, Triệu Phong- người thầy cũ của tôi thời trung học và thời sư phạm, thấy hay hay mạo muội post lại để chia sẻ cùng bạn bè.(VVH)
Sinh ký tử qui là lẽ thường của tạo hoá. Lúc sinh tiền, Trịnh Công Sơn rất ngộ và thường pha chút nghĩnh trong sáng tác và trầm tư. Nửa đùa nửa thực, anh đã vặn câu thơ nói về “cõi người ta” của Nguyễn Du thành: “Chữ tài chữ mệnh cũng là bể dâu”.
Cảm nhận được một chút cái ngẳng đời của anh, tôi vặn tréo lại để thấy anh như còn sống mãi, dẫu cho hình hài đã trở về với cát bụi.
Ngày xửa ngày xưa, Khuất Nguyên gõ mạn thuyền mà hát nói chuyện đục-trong; lại nay, còn mới toanh, Trịnh Công Sơn đã dùng chiếc đũa tre Việt Nam mà gõ thành thơ:
“Em đi bỏ lại con đường
Bỏ xa cỏ dại vô thường nhớ em”
Nhà báo đã từng hỏi Trịnh Công Sơn rằng: “Quê hương xứ Huế và Đạo Phật ảnh hưởng thế nào đối với sáng tác của nhạc sĩ?...” Và anh đã trả lời chắc nịch như đinh đóng cột đình, thật là: Huế và Đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thơ ấu của tôi...”.
Chỉ ngần ấy thôi mà khiến tôi phải mất công đi tìm, đi hỏi loanh quanh mặc dầu không khỏi bị người ta vặn vẹo. Được rồi! Thì ra, tuyệt quá: trọn gói cả gia đình anh, gồm cha mẹ và 8 anh chị em, tổng cộng 10 người, đều đã Qui y Tam Bảo từ năm Ất Mùi (1955) tại chùa Phổ Quang, Huế, nơi mà năm 1925, Ông Già Bến Ngự đã từng ở trọ, người Huế quen gọi là “ở đậu”...
Xưa, cụ Phan Bội Châu ở đậu 3 tháng tại chùa này, còn năm 1955 cho đến năm 1958, Trịnh Công Sơn thường đi chùa Huế, lên chùa Phổ Quang với mẹ cùng các em trai và gái thân thương của mình.
Tôi vốn không có năng khiếu về nhạc và thơ, nhưng lại thích văn. Gần đây, đọc bài Văn Tự của Trịnh Công Sơn, tôi khoái nhất câu mà anh đã viết:
“Những con đường ấy làm nên một thứ văn tự hay nói nôm na hơn là một thứ chữ viết báo hiệu sự có mặt của đời sống con người”.
Vâng, anh và gia đình anh đã lắm lần có mặt ở các chùa Huế như Vạn Phước, Từ Đàm, Linh Mụ, Thuyền Tôn... nhất là chùa Phổ Quang. Và đặc biệt như ký thác, gia đình anh đã để lại ấn tích sâu lắng, linh thiêng trên tập “Phổ Hệ” (ghi lại những tên họ và quê quán của các phật tử đã Qui y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) ở chùa ruột này. Gốc gác của thuật ngữ “Qui y” được lấy từ tiếng Phạn là “Na mô”, nghĩa là quay về mà nương dựa.
Nay thì đích thực hương linh anh mới trọ ở chùa Phổ Quang (không phải chùa Hiếu Quang đâu!). Anh Sơn ơi! Sau lễ truy điệu anh do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức vào đầu tháng 4 năm 2001 thì bát nhang của anh đã được đưa về thờ (ký tự) tại bàn thờ linh (thờ các tín đồ Phật giáo, đệ tử của nhà chùa). Ơ đây, anh đã thực sự “hội ngộ”, được thờ chung tại bàn linh đã tôn trí thờ hương linh thân phụ và cố mẫu của anh và các phật tử khác.
Bản thân tôi rất lấy làm vinh dự và may mắn được Thượng toạ Thích Huệ Ấn, Trú trì chùa đọc và dịch ra Việt ngữ Phổ Hệ bằng chữ Hán của nhà chùa đã ghi lại từ năm Ất Mùi (1955).
Văn tự này thật là thật, tôi vừa bùi ngùi vừa hồi hộp lắng nghe và biên chép.
- Cha: ông Trịnh Xuân Thanh, pháp danh: Nguyên Bình.
- Mẹ: bà Lê Thị Quỳnh, pháp danh: Nguyên Hoa.
Quê nội: làng Minh Hương, tổng Vĩnh Trị, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
Anh là con trưởng của gia đình nên được ghi tên trước, rồi lần lượt đến 7 người còn lại:
Trịnh Công Sơn, Pháp danh: Nguyên Thọ.
Các em:
Trịnh Quang Hà, Pháp danh : Nguyên Sa
Trịnh Xuân Tịnh, Pháp danh : Nguyên Đạm
Trịnh Thị Hoàng Diệu, Pháp danh : Nguyên Cát
Trịnh Thị Vĩnh Thuý, Pháp danh : Nguyên Thâm
Trịnh Thị Vĩnh Tâm, Pháp danh : Nguyên Ngộ
Trịnh Thị Vĩnh Ngân, Pháp danh: : Nguyên Thuy
Trịnh Thị Vĩnh Trinh, Pháp danh: : Nguyên Đàm
Chùa Phổ Quang nằm ở đâu? Đi theo lối chỉ đường mà anh đã viết trong bài “Văn Tự”. Trung thành với văn tự, tôi chỉ rõ đường lên chùa theo ý bài “CHIỀU TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Đến chợ Bến Ngự, qua cầu cùng tên, đi lên đường rầy xe lửa, cạnh cổng chắn có cắm bảng ghi rõ tên chùa, rẽ vào hẻm số 29 đường Phan Bội Châu (trước kia là đường Nguyễn Hoàng) chừng gần 70 - 80 mét là thấu cổng chùa.
Thời anh mới nổi danh, tôi biết khá rõ về anh và luôn luôn tỏ lòng quý mến, cảm phục. Anh học trường Sư phạm Quy Nhơn khoá I (1962 - 1964) để theo nghiệp gõ đầu trẻ. Điều kiện để nạp đơn dự thi vào trường là ít nhất phải có bằng Tú tài phần thứ nhất. Cùng khoá với anh có Nguyễn Thanh Hải chơi đàn guy-ta điện vào hạng cừ phách và rồi cũng trở thành nhạc sĩ. Sau năm 1965, dân học Sư phạm Quy Nhơn rất tự hào về hai nhạc sĩ tài hoa này.
Vào một buổi tối mùa hè năm 1967, vì lòng ngưỡng mộ anh, sau khi xem triển lãm tranh vẽ của họa sĩ Lê Văn Tài (nay ở Úc), Người làng Tri Bưu, xã Hải Trí, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Vì tình cảm đồng hương mặn mà, họa sĩ Tài rủ tôi đi nghe công diễn nhạc Trịnh Công Sơn, có ca sĩ Khánh Ly hát. Tôi đi bộ cùng với Tài và một người bạn nữa từ phòng tranh (nguyên là Nha Thông tin Trung Việt) lên Giảng đường Viện Đại học Huế, số 3 Lê Lợi để xem và nghe trình diễn âm nhạc (récital).
Tôi kể đúng, nhớ đúng, chớ không phải thấy anh sang lại bắt quàng làm họ đâu.
Ấn tượng mà tôi còn nhớ mãi về anh là nét trầm tư thể hiện trên vầng trán của anh hiện lộ tính cách philo (xin hiểu theo nghĩa thật và dễ thương, dễ cảm)
Nay, các Thượng toạ đã một thời có điều kiện gần gũi anh như các thầy Thích Huệ Ấn (tuổi Quý Mùi, thua anh 5 tuổi), thầy Thích Phước Toàn ở chùa Vạn Phước, quận 11 thành phố Hồ Chí Minh, thầy Thích Chơn Nguyên, phụ trách phát hành kinh sách ở Viện Nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh đều khẳng định anh là con người có đời sống tâm linh phong phú, ăn nói có duyên và đượm đà tình cảm.
Thuở ấy, trong những năm 1955 - 1958, anh hay lên chùa Phổ Quang thăm Hoà thượng bổn sư, quý thầy và chúng điệu. Bổn sư là Hoà thượng Thích Chánh Pháp, Trưởng tử của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết - Đệ nhất Tăng thống tịch năm 1973 tại Huế.
Do thích tìm hiểu nghĩa lý kinh sách chữ Hán, lúc có nhiều thì giờ rảnh rỗi, anh đã xin quý Thầy dịch ra Việt ngữ và phân tích ý nghĩa các bài kệ, bài sám, các phẩm kinh như kinh Phổ Môn của bộ Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Anh thích văn của nhà văn Phật tử Võ Đình Cường qua tác phẩm Ánh đạo vàng, thích nghe và hát bài Sen trắng, dùng khẩu cầm để dạo thử bài Phật giáo Việt Nam của nhạc sĩ Phật tử Lê Cao Phan. Khoái nhất đối với anh là thổi khúc dạo đầu Trầm Hương Đốt của nhạc sĩ Bửu Bác làm cho các chúng điệu cười khúc khích.
Anh đã để lại trong ký ức của quý Thầy những hình ảnh hồn nhiên và mến đạo của một thư sinh (tuổi 16,17,18). Mẹ anh, một Phật tử thuần thành, đã phát tâm đi cúng dường các chùa Huế trong dịp các lễ hội quanh năm. Bà đã cúng dường cho Thầy Bổn sư một chiếc xe đạp đầm mà khung xe bằng dura (hợp kim nhôm) hiệu MERCIER của Pháp. Thời ấy xe này có giá, vừa quý lại vừa sang.
Người nào phát nguyện tín ngưỡng đạo Phật xin thọ phép Tam quy trước Tam Bảo mới được gọi là tín đồ đạo Phật. Bác sĩ Lê Đình Thám (1897 - 1969), nhà nghiên cứu Phật học, nguyên Hội trưởng Hội An Nam Phật học, đã nói và viết giống nhau về ý nghĩa của việc qui y một cách bình dị và dễ hiểu.
Pháp danh là “tên” của người đã qui y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Pháp danh của các người trong gia đình anh đều bắt đầu bằng chữ “Nguyên”, lấy từ chữ Nguyên trong bài kệ của Tổ Liễu Quán, khai sơn chùa Thiên Thai, nay là chùa Thuyền Tôn Huế, nơi đây bà con bên ngoại anh đã qui y.
Bốn câu đầu bài kệ bằng chữ Hán như sau:
Thiệt Tế Đại Đạo
Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận
Đức Bổn Từ Phong
Chữ thứ hai của Pháp danh có thể lấy nghĩa lý từ tên của người xin qui y. Anh tên Sơn cho nên Thầy cho Pháp danh: Nguyên Thọ. Người phương Đông đặt tên cho con cháu thường hay chọn lựa bằng cách dùng tích, dùng điển. Người trí tuệ thì thích cảnh núi non hùng vĩ và những cầu mong:
Phúc Như Đông Hải
Thọ Tỷ Nam Sơn
Bổn sư của anh đã cầu nguyện cho anh sau này sớm thoát áo thư sinh nên danh nên phận. Cũng theo phép đặt pháp danh khác, tên cụ thân sinh của anh là Thanh thì được bổn sư cho pháp danh: Nguyên Bình, bà thân mẫu tên Quỳnh thì có pháp danh là Nguyên Hoa.
Anh Sơn ơi, còn những gì tôi được biết về anh tôi sẽ ghi lại sau, mặc dầu anh với tôi chưa hề quen nhau và trong đời tôi chưa hề một lần được vinh dự bắt tay anh.
Một nén hương lòng, xin gởi lạy hương linh anh, nhớ lời anh đã viết:
Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi
Để gió cuốn đi.
Nôm na ghi lại chuyện người, còn thiên khảo luận xin chờ nay mai.
Huế, ngày 10 tháng 6 năm 2001
LÊ QUANG THÁI
Nguồn: TCSH số 149 - 07 – 2001 và ntlyhien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét