Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008

02.12. 2008 GÓC NHÌN NGƯỢC VỀ TÚ XƯƠNG- LÊ ANH TUẤN






( Mộ nhà thơ Tú Xương)

Nhà thơ Trần Tế Xương (còn gọi là Tú Xương, tên khai sinh Trần Duy Uyên; (1870–1907) là một nhà thơ nổi tiếng vì tính trào phúng và trữ tình của mình và được Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, một nhà thơ cùng thời xếp vào loại thi hào bất tử:

Kìa ai chín suối Xương không nát
Có nhẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.

Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã định danh và định hình hơn 100 năm qua.
Bữa nay ngồi lục lại đống bài vở tích cóp lộn xộn trong computer, bỗng gặp lại bài viết này. Không thể nhớ là sưu tầm từ nguồn nào, chỉ nhớ là nó được cóp từ một blog của ai đó. Một góc nhìn ngược ngồ ngộ và... táo tợn. Nghĩ rằng không phải sự phản biện nào cũng lếu láo nên đưa lên đây.
Bài này vốn cũng có nhan đề (?) nhưng không cóp, nên tạm đặt tên cho nó là
GÓC NHÌN NGƯỢC VỀ TÚ XƯƠNG


Nhiều người rất thích Tú Xương, nhưng mình lại không đánh giá cao ông ấy!


Ở đây không nói đến Tú Xương làm thơ hay hay kém, chỉ nói về con người của ông thể hiện qua những vần thơ.


Nhà phê bình thường nhận xét: Tú Xương sinh ra trong thời buổi nước mất nhà tan, phong hóa suy đồi, nên phẫn uất mà sáng tác ra những bài thơ phê phán cay độc.


Có phải thế đâu!


Theo mình thì Tú Xương chẳng qua ăn không được nên muốn đạp đổ. Ông bất mãn, phê phán xã hội chẳng qua vì ông không tìm được đường tiến thân trong xã hội ấy. Nếu Tú Xương may mắn thi đỗ làm quan, có lẽ mọi việc đã khác hoàn toàn!


Thật vậy, đọc thơ Tú Xương, thấy như ông rất coi khinh bọn sỹ tử đi thi: Nước đã mất rồi, thời thế còn đâu, thi làm chi mà nhục:


Một đàn thằng hỏng đứng mà trông


Nó đỗ khoa này có sướng không


Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt


Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng


(Giễu người thi đỗ)


Lôi thôi sỹ tử vai đeo lọ


Ậm ọe quan trường miệng thét loa


Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến


Váy lê quét đất, mụ đầm ra


Nhân tài đất Bắc nào ai đó


Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà


(Lễ Xướng Danh Khoa Đinh Dậu)


Phê phán như thế, nhưng bản thân Tú Xương lều chõng vào trường đến 8 lần, cố vớt cho được chút công danh. Ông hỏng thi nên mới làm 2 bài thơ trên cho bõ tức, chứ đậu thì có lẽ đã hớn hở hành lễ với quan sứ và bà đầm.


Vì thi rớt nhiều lần nên Tú Xương rất cay cú những ông cử tân khoa:


Hai đứa tranh nhau cái thủ khoa


Tuân khoe văn hoạt, Nghị văn già


(Khoa Canh Tý)


Tuân đây là Vũ Tuân, Nghị đây là Lê Sỹ Nghị. Cả hai đều là những danh sỹ, đương thời rất được kính ngưỡng. Vì hỏng thi mà đem những bậc tài hoa, giỏi hơn mình ra để chế giễu, khí lượng của Tú Xương có phần hẹp hòi quá!


Thái độ Tú Xương đối với quan trường và triều đình, xem qua cũng có vẻ như coi thường, khinh bỉ lắm:


Nào có ra chi một lũ tuồng


Cũng hò cũng hét cũng y uông


Dẫu rằng dối được đàn con trẻ


Cái mặt bôi vôi nghĩ cùng buồn!


(Hát tuồng)


Nhưng Tú Xương lều chõng bao bận để làm gì, nếu không để thi đỗ ra làm quan, để được ‘bôi vôi’ vào mặt mà diễn chung với bọn phường tuồng ấy? Tiếc là ông chỉ đỗ Tú Tài đội bảng (hạng bét), không đủ tư cách ‘xuất chính’, không được đóng tuồng, dù chỉ là 1 vai kép nhỏ!


Về văn tài Tú Xương, có người nói ông đáng đỗ tiến sỹ, chỉ vì không theo khuôn sáo nên mới bị đánh hỏng. Bài thi của Tú Xương nay đã thất truyền cả, họ nhận xét như trên chỉ là chủ quan, không có cơ sở gì. Mình thì cho rằng sức học Tú Xương quả thật chỉ đến thế, chỉ đến Tú Tài là hết mức. Bản thân Tú Xương cũng có lần thừa nhận mình ‘nôm hay mà chữ dốt’ (Buồn thi hỏng)


Dĩ nhiên, nói như vậy không phải đánh giá thấp Tú Xương. Ngày xưa dân ta không mấy ai có học, người thi đỗ lại càng như ‘lá mùa thu’. Tú Xương đỗ được Tú Tài cũng là giỏi, tuy chưa được làm quan, nhưng mỗi lần làng có đám đã được ăn trên ngồi chốc. Vợ Tú Xương tuy phải tần tảo nuôi chồng, nhưng nhờ chồng mà có được cái danh ‘Bà Tú’ có lẽ cũng đủ mãn nguyện.


Viết vào giấy dán ngay lên cột


Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?


Rằng hay thì thực là hay


Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú Tài!


Xưa nay em vẫn chịu ngài


(Tết dán câu đối)


Tuy nhiên, cái danh Tú Tài không làm Tú Xương thỏa mãn. Ông buồn, ông căm, ông bất đắc chí, ông gặp ai cũng chửi, bạ gì cũng chửi. Tú Xương đâu phải chỉ chửi những cái ‘phong hóa suy đồi’, ông chửi tất vạn sự, nói hơi nặng 1 chút là ông ‘cắn càn’:


Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau


Chúc nhau trăm tuổi, bạc đầu râu


...


Nó lại mừng nhau cái sự giàu


Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu


...


Nó lại mừng nhau sự lắm con


Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn


...


(Năm mới chúc nhau)


Năm mới năm me, thiên hạ đi chúc nhau, dĩ nhiên phải chúc sống lâu, phát tài, sinh con đẻ cái. Đó là 1 phong tục truyền thống rất tốt đẹp. Vậy mà cũng chửi, không phải bất mãn quá hóa ‘cắn càn’ thì là gì?


Tú Xương không thích người ta ‘mừng nhau cái sự giàu’, bởi vì ông không giàu. Nhưng mà ông có nghèo không? Có người bảo ông là nhà nho thanh bần, nghèo khó, thương ông lắm. Quái, nghèo mà thế này a:


Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ


Rượu chè trai gái đủ tam khoanh


(Tự cười mình)


Biết chăng cũng chẳng biết gì


Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu


Biết thuốc lá, biết chè tàu


Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi


(Hỏi ông trời)


Quanh năm phong vận, áo hàng tàu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh


Ra phố nghênh ngang,quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng


(Phú hỏng thi khoa canh tý)


Tú Xương hoàn toàn không nghèo, ông than nghèo chỉ vì ông chưa đủ tiền để ăn chơi như các vương tôn công tử đó thôi. Cả đời ông chỉ ‘dài lưng tốn vải’, không đọc sách Nho thì đi phè phỡn, việc kiếm tiền mưu sinh đổ cả cho bà Tú ‘lặn lội thân cò’. Bà Tú làm được bao nhiều cung phụng cả cho ông, ông vẫn chưa cho là đủ. Ông than vãn nghe thương tâm lắm:


Bạc đâu ra mà mong được?


Tiền chửa vào tay đã hết rồi


Vay nợ lắm khi trào nước mắt


Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi


(Than nghèo)


Thương thật! Nhưng hết tiền là do ông đem nướng vô bài bạc và cô đầu đấy chứ! Còn vay nợ và chạy ăn thì bà Tú lo, đâu đến phần ông!


Cái được của Tú Xương là ông dám tự trào. Ông chửi lung tung mọi người, mọi thứ, song ông cũng chửi cả ông nữa. Những bài như Tự cười mình, Phú hỏng thi khoa Canh Tý, không phải ai cũng dám làm!

LÊ ANH TUẤN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét