* NTL: Dạ thưa Thầy, em là Lai ở Trường Hải Chánh, Thầy ạ!
Em có bài thơ vừa mới viết hôm qua, em gửi, Thầy đọc và góp ý cho em, Thầy nhé! Vì bữa giờ, em không có thời gian mấy, nên rất ít viết.
ANH XA!
Anh xa rồi thị trấn nhỏ buồn tênh
Con đường vắng không lối về hẹn ước
Chiều qua ngỏ mưa giăng mờ xa xót
Thoáng bóng ai trăn trỡ gọi xuân về
Gió cứ buốt rét từng cơn ào ạt
Vầng trăng khuya khuyết mất một khoảng đời
Anh xa rồi không còn ai hò hẹn
Khúc từ ly thao thiết gọi thành tên,
Em vẫn vậy, tìm về nơi chốn cũ
Nẻo đường quê xao xác lá vàng rơi
Cho phút giây chạnh lòng xưa trỗi dậy
Chút dịu dàng, mạnh mẽ buổi ban sơ
Những xưa cũ - ngày hôm qua - hôm trước
Khép mi rồi phiền muộn sẽ nguôi đi
Em bây giờ lặng im trong giông bão
Cứ nhủ lòng: Đi ngược phía không anh!
Tháng 01/2009.* BÌNH THƠ VÕ VĂN LUYẾN
ĐÊM ÁI TỬ NGHE HÁT RU CON
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, nhiều người lo lắng về sự ra đi của loại hình hát ru. Tôi nhớ là nhiều nơi mở ra cuộc thi HÁT RU nhằm góp phần chấn hưng "bản sắc văn hoá dân tộc". Có thể bởi các "mẹ trẻ" hôm nay chỉ biết tân nhạc nên gặp không ít khó khăn khi ru vỗ con yêu vào giấc ngủ. Cảm hứng đến từ cuộc thi mở ra đó, bài thơ ĐÊM ÁI TỬ NGHE HÁT RU CON được sinh hạ. Một chút kỷ niệm nhỏ nhớ lại, những mong anh em, bạn bè đọc cho vui. Xin post lên đây cùng với lời bình của cô giáo NGUYỄN THỊ LAI - GV trường THCS Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị.
Đêm Ái Tử nghe hát ru con
"Ai nuôi con trống gà vàng
Nửa đêm dậy gáy cho nàng thổi cơm"
(Ca dao)
À ơ...mẹ hát ru con
Trăng qua song cửa, ngọn nồm thoảng đưa
À ơ...cái nhớ còn lưa
Cái thương còn mặn, cái chờ còn mong
À ơ...cái bóng ru buồn
Ai ăn ở bạc cho hồn ai đau
À ơ...cánh vạc về đâu
Khói sương chưa dễ phai màu thời gian
À ơ...sợi nắng ở tim
Đến bao giờ lại chỉ kim khâu cùng?!
À ơ..."con trống gà vàng"
Cớ sao lại gáy vội vàng làm chi
Lời ru đọng giữa đêm khuya
Trăng thì mờ tỏ như chia nỗi niềm...
VÕ VĂN LUYẾN
LỜI BÌNH:
Ý niệm về lời ru thường không thể tách rời ý niệm về mẹ. Mà lời ru của mẹ thường là một chất liệu ngọt ngào êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu lời ru thì "không thể" lớn lên được. Nhưng không phải lúc nào lời ru của mẹ cũng chỉ để dành riêng cho con, mà có thể, qua lời ru con, mẹ lại giãi bày tâm trạng của mình. Bài "Đêm Ái Tử nghe hát ru con" của Võ Văn Luyến là một minh chứng cụ thể nhất.
Từ muôn thuở nào, lời ru bình dị của người mẹ cứ thảnh thơi, à ơ đã làm cơn cớ đi về cho bao lời thơ cất cánh. Với Luyến, lúc chiều hôm, khi góc bếp không còn đỏ lửa, ô cửa đã sáng đèn, trong sự bình yên của một làng quê thanh bình, thì đó là lúc:
À ơ...mẹ hát ru con
Trăng qua song cửa, ngọn nồm thoảng đưa
Tiếng à ơ được cất lên lúc này sao mà da diết quặn lòng, nó cứ chơi vơi đến lạ kỳ:
À ơ...cái nhớ còn lưa
Cái thương còn mặn, cái chờ còn mong
À ơ...cái bóng ru buồn
Ai ăn ở bạc cho hồn ai đau
Trong lời ru, người con như không còn hiện diện. Hình như con đã ngủ say rồi, giữa không gian tĩnh lặng của riêng mình, người mẹ tha hồ trách cứ "người thương" cho sự trống vắng và nỗi nhớ trong lòng càng thêm mênh mông diệu vợi.
Nhưng trách cũng chỉ là trách thôi, bởi bây giờ, ván đã đóng thuyền. Biết đâu "ai đó" cũng đang trách:
Mười năm đã hết đợi mong
Bởi em áo xống sang sông thay người
Tôi về ngồi cội đa chơi
Xanh miền ký ức trông vời mây bay (1)
Hoặc cũng đã có một gia đình yên ấm, cũng có "những phút giây ngoài chồng ngoài vợ" nên cũng "đừng trách chi những phút xao lòng" mà. (2)
Nếu trong đời, có những lần xa cách như vậy, thì xin hãy để cho người mình yêu thương được trở về trong nỗi nhớ, trong những lần sống thật, đối diện chính mình để đo được chiều dài nỗi chờ mong, để có thể tự hỏi:
À ơ...sợi nắng ở tim
Đến bao giờ lại chỉ kim khâu cùng?!
Sự đời, khi tâm trạng không được thoải mái, con người ta thường hay phật lòng cả những sự việc không liên quan đến mình. Tín hiệu mà "con trống gà vàng" phát ra trở nên vô duyên đến lạ, bởi do nó gáy vội vàng làm chi cho người phải xa người?!
Những câu chữ, sự việc cứ dàn trãi, cứ đan xen lẫn nhau như không có hồi kết. Nhưng người đọc tự dưng lại thấy lòng mình chùng xuống khi:
Lời ru đọng giữa đêm khuya
Trăng thì mờ tỏ như chia nỗi niềm
Cuối cùng, người mẹ vẫn phải đối diện với sự thật, vẫn phải quay về trong khuôn khổ vốn có. Âu đây cũng chỉ là một phút "nỗi loạn" thường tình mà thôi, bởi:
Yêu thương nhân thế hãy còn
Ầu ơ...tiếng hát xua buồn trời đông (3)
Raxun Gamzatov trong "Daghextan của tôi" đã nói rằng: "Giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành cây khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ của con người". Có thể vì vậy mà văn thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung đều phải bắt nguồn từ tài năng và tấm lòng của người nghệ sĩ và cái tài, cái tâm ở anh đã hoà quyện, trộn lẫn vào nhau để toả sáng như lời bạn anh đã đưa ra:
"Trầm tưởng và trầm tư về tình người, lẽ đời đã trở thành những trạng huống thăng hoa có tính thanh lọc (catacxit) và cứu rỗi tâm tư con người trong thơ Võ Văn Luyến" (4)
Trong tất cả những người làm thơ mà tôi biết, thì anh là con người có tấm lòng thật rộng mở. Một Luyến năng động khi bắt tay vào công việc, nhân từ khi là người thầy, hiếu thảo khi là người con, đầy đủ trách nhiệm khi là người chồng, bao dung khi là người cha, hoà nhã khi là người bạn đã thay bằng một Luyến rộng lượng, ưu ái cuộc đời hơn trong "vai trò" một người làm thơ.
Bài thơ đã khép lại với một "kết thúc mở" thật nhẹ nhàng, đằm thắm. Nhưng những gì anh viết cứ rủ rỉ tâm sự, cứ hiện diện mãi như sợ đời không hiểu mình, người không hiểu mình. Đó phải chăng là cũng là một phong cách rất riêng, rất chi là Võ Văn Luyến mà người đọc, người viết cảm nhận về anh vậy!06/9/2005
* Ảnh trên: TRI ÂM CÁC
NGUYỄN THỊ LAI
(1,3): thơ Võ Văn Luyến
(2): thơ Thuận Hữu.
(4): Nhận định của Nguyễn Hoàn
Thứ Hai, 5 tháng 1, 2009
06.01.2009 THƠ VÀ BÌNH THƠ ĐỒNG NGHIỆP- NGUYỄN THỊ LAI
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét