Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

04.9. 2008 TRANG THƠ BÈ BẠN




TRANG THƠ BÈ BẠN





*Hoàng Tấn Linh :
Quê Làng Câu Nhi, Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị. Tốt nghiệp ĐHSP Văn. Dạy học, làm thơ, giỏi chữ Hán, là "Cụ Cử thời @"mặc dù tuổi rất trẻ. Hiện công tác tại trường THPT Hải Lăng.

BẤT CHỢT


Bất chợt ngày qua trong mưa
Tự nhiên thấy lòng tím nhớ
Và khi chiếc lá giao mùa
Lòng mình theo mây về núi.

Bất chợt từ trong trang sách
Tình yêu như khói như sương,
Ngày mang dấu hài qua ngõ
Mong manh như nắng bên đường.

Bất chợt gặp người từ độ
Bùa yêu như chiếc nỏ thần
Tự nhiên thấy lòng nắng lạ
Mùa đi riêng mang riêng mang.

Bất chợt ngày qua rất vội
Ô kìa nắng hắt bên sông
Heo may cơ hồ trong gió
Theo về trong mắt nhớ nhung.

Bất chợt gặp mình, bất chợt
Cỏ mềm chiếc lá trên mi
Còn có bao lần bất chợt
Đầy vơi hạt nắng xuân thì.


Hoàng Tấn Linh




YẾU TỐ SẮC – KHÔNG

TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ

(Nhận diện )

Hoàng Tấn Linh

Sắc – không là chỗ thuần nhất trong nguyên lí tồn nguyên của đạo Phật. Sắc là chân của ảnh, không là chỗ tồn nguyên của hư, trong ảnh có hư, trong sắc là không, chỗ thừa hữu tồn tại trong thường khuyết tạo nên sự hằng thường của niệm sống. Sắc – không tồn tại trong ý niệm của chúng ta xưa nay, tạo nên chỗ khép kín những ý niệm về cơ sở vũ trụ và con người tâm linh.

Ở một số nước trong khu vực Á đông, có khoảng thời gian Phật giáo trở thành quốc giáo, một tôn giáo được sùng nghi ở mọi khía cạnh góc độ, trở thành cơ sở luận thuyết của xã hội. Việt Nam cũng vậy; vì thế yếu tố sắc không tồn tại luân hữu trong mọi cơ sở luận thuyết như là một điều đương nhiên. Và, con đường đến với thơ ca của cơ sở này ta dễ dàng nhận ra ở một số bài thơ thời Lý - Trần; chẳng hạn ở bài THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG - TRẦN NHÂN TÔNG: Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên – Bán vô bán hữu tịch dương biên - Mục đồng địch lý quy ngưu tân - Bạch lộ song song phi hạ điền (bóng chiều, hơi chiều bãng lãng như khói quyện lấy xóm trước thôn sau –Trong chiều tà dương(ta )chỉ kịp nhận ra “xóm trước thôn sau”ấy như có như không – Trong tiếng sáo của trẻ mục đồng gọi trâu về hết, chỉ còn lại trên cánh đồng đôi cò trắng chao liệng). Đâu là sắc, đâu là không? Bạn thử nghiệm ra “thôn hậu thôn tiền” ở đâu? Cái gì còn lại, cái gì mất đi khi bóng tà dương khép lại một ngày?. Và nữa, đôi cò trắng xuất hiện trong chiều muộn khi trong tiếng sáo mục đồng trâu đã về hết gợi cho bạn điều gì về chỗ thường vô, thường hữu.

Thi ca hiện đại Việt Nam đã từng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà thơ mới lãng mạn (thật ra không lãng mạn trong hình thức và nội dung biểu đạt thì không gọi là mới rồi), nhất là các nhà thơ “Bình Định tứ hổ”(Yến Lan – Quách Tấn - Chế Lan Viên – Hàn Mặc Tử). Với “trường thơ loạn” Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử đã tạo nên một cơn sóng gió trong bước đi lịch sử của thi ca bấy giờ. Riêng Hàn Mặc Tử, người ta hoảng hốt trước những câu thơ táo bạo đậm chất phương Tây mà Tử đã “bình phong địa khởi”: “Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt - Mộng có thành là mộng ở đầu hôm – Hương không ngọt xuân sớm lẽ nào thơm - Mật không đắng ân tình không thú vị”(Dấu tích)“Tôi đi trên ánh trăng mờ - Tìm con trăng lạc ngoài bờ bến kia - Xứ yêu bát ngát, tôi lìa- Dò xem ý tứ ban khuya, tôi liều”(Chơi trên trăng) hay “Trăng, Trăng, Trăng!LàTrăng, Trăng, Trăng!”(Trăng vàng trăng ngọc). Rõ ràng là Tử đã thể hiện sắc nét những cảm quan của thi ca phương Tây. Thêm nữa, là người của Thiên Chúa, từng học trường dòng, ở Huế giữa lúc thơ ca phương Tây như một cơn gió lạ thổi bùng những cảm khái tâm hồn phương Đông của bao hồn thi sĩ, nên sự ảnh hưởng phương Tây đối với Tử là điều không lạ.

Hãy nhìn những dòng thơ trên, khi mà sự đối ngẫu được được đặt trong hệ quy chiếu của thơ Đường. Lòng thi sĩ buồn vì li biệt nhưng tâm hồn lại luôn nặng trĩu những mộng thường giai nhân. Lòng vĩnh biệt là thực, là ảnh , là sắc- mộng miên man là hư, là không. Hương và mật là hư thì tình là sắc – Dò xem ý tứ ban khuya, tôi liều lại là không.Và như thế, chúng ta lại càng cảm nhận ra trạng huống tâm hồn khơi vơi mộng - thực của Tử.

Bạn đọc còn nhớ, trước khi có mặt trong “Bình Định tứ hổ”, với bút danh Phong Trần, Lệ Thanh, Tử đã khiến bao thi sĩ trong làng thơ sửng sốt. Ngay cả Cụ Phan Bội Châu khi còn là “Ông già Bến Ngự” cũng đã từng mong muốn được gặp tác giả của “Chùa hoang”. Lệ Thanh, Phong Trần là ai? Chắc phải là một người thông kim bác cổ, chân diệu trong làng thơ. Và khi đôi diện với một nhà thơ trẻ, hai người đã đối diện đàm tâm. Những vần thơ Đường của Tử đã khiến Cụ Phan ngưỡng mộ, mặc cho sự kiểm soát, theo dõi của mật thám Pháp.

Như vậy, trước khi có mặt trong “trường thơ loạn”, Tử là con người đặc biệt của thơ ca phương Đông; nghĩa là nhà thơ của chúng ta đã khẳng định mình bằng những cảm quan tinh tế. Ngay cả khi “đau thương” Tử vẫn viết: “Trăng, Trăng, Trăng!LàTrăng, Trăng, Trăng!”(Trăng vàng trăng ngọc). Trăng của niềm thương nỗi nhớ, trăng của sự huyễn tưởng, của đôi bờ mộng - thực nhưng cũng là ánh trăng của chính tâm hồn đang lở lói của Tử. Nói cách khác, trăng là nàng thơ, là nỗi niềm thi nhân nhưng cũng chính trăng là cuộc đời Tử (nàng cũng trăng mà ta cũng trăng). Mộng và thực, sắc và không luôn làm nên những điều kì diệu nhất trong thơ Tử.

Quen thuộc nhất với người mộ điệu thơ Tử là “đây thôn Vĩ Dạ”, một bài thơ đã từng tạo nên nhiều sóng gió nhưng vẫn được chọn giảng dạy trong trường phổ thông. Bài thơ không dài, lời thơ không kiêu kì nhưng lại tạo được nhiều điều trắc ẩn về tâm – tình – tài của Tử. Mở đầu Tử viết: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Và sau đó là bức tranh Vĩ Dạ hiện ra mang một dấu ấn riêng: Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên - Vườn ai mướt quá xanh như ngọc – Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Anh ở đây là ai? Chủ thể của phát ngôn này là ai? Nếu là Tử thì sao lại là sao anh không về, còn nếu là Hoàng Cúc thì tại sao lại là vườn ai mướt quá, lại là lá trúc che ngang mặt chữ điền. Phải có sự xa xôi mới có cách nhìn nhận và đánh giá như thế. Rõ ràng là Tử đang tự vấn lòng mình về với Vĩ Dạ thôn, Tử hỏi mình tại sao không về thôn Vĩ? Phải như thế mới nhận ra được sự xa xôi cách trở về địa lý và cả sự trắc ẩn trong tâm hồn hai người. Sự thật đó phần nào giúp ta nhận diện được tình cảm của Tử đối với Hoàng Cúc. Bức tranh Xứ Huế đẹp nhưng đó lại là sự tưởng tượng, nó ủ mầm chó một sự thật về tình cảm. Hai từ vườn ai - mướt quá từ bản thân nó tạo nên sự xa xôi cách trở. Ở khổ thơ tiếp theo là bức tranh ảo đặc tả một Vĩ Dạ về đêm đầy sự chia lìa trái ngang: Gió theo lối gió – mây đường mây – Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay - Thuyền ai đậu bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay? Vậy là, Vĩ Dạ sớm mai liền kề một Vĩ Dạ về đêm nhưng tất cả chỉ là ảo giác, làm cơ sở cho việc bộc bạch tâm trạng. Sự chia lìa của cảnh sắc chính là sự cách trở của tình yêu, tâm hồn hai người. Tử đang hướng về Vĩ Dạ bằng một khoảng cách như là điều dự cảm gió lối gió – mây đường mây, dòng nước buồn – hoa bắp lay. Bờ thực và mộng xuất hiện như là sự trấn an cõi lòng về một sự thật bẽ bàng trong tình yêu. Và rồi trăng xuất hiện nhưng lại là thuyền trăng – sông trăng - bến trăng. Trăng là chốn khơi vơi mộng tưởng nhưng có lúc lại xuất hiện rất thực trong thơ Tử nói cách khác nó là hiện thân của cuộc đời Tử.

Bỏ qua hiện thực tình cảm trong câu thơ, ta chỉ nói đến yếu tố sắc – không trong việc đặc tả ngôn từ thi ca của Tử. Cảnh xứ Huế đẹp nhưng lại là ảo giác, tình cảm chân thành lại từ trong ảo cảnh đó mà hiện ra. Sắc lại là không mà không lại là sắc, thật khó đoán nhận. Ở khổ thơ cuối vấn đề trên lại thể hiện tinh tế hơn: mơ khách đường xa – khách đường xa – áo em trắng quá nhìn không ra - ở đây sương khói mờ nhân ảnh – ai biết tình ai có đậm đà? Hình ảnh áo em trắng quá là hiện thực nhưng không thực, bởi áo em trắng hay tâm hồn em trong trắng, tuổi em trắng trong, thuỷ tinh. Nó hoàn toàn đối lập với hình ảnh Tử một tâm hồn lở lói đau thương mà bệnh tật như là bản án tử hình định sẵn. Vì thế nhìn không ra là phải. Khoảng cách về địa lí không đáng ngại, điều đáng ngại nhất chính là sự giao cảm, đồng cảm của hai tâm hồn. Anh nhìn không ra em nhưng lại đang đối diện với em. Giờ đây, người đọc dễ dàng nhận ra chân dung bài thơ. Bài thơ hay cuộc đời cũng chỉ là sương khói mờ nhân ảnh bởi Tử đã viết- ở đây.. là đang ở đâu? Vĩ Dạ hay Quy Nhơn, ở Tử hay Hoàng Cúc??? Ở trong cuộc đời. Yếu tố sắc – không hiện ra khá rõ nét trong bài thơ.

Sự thật về bài thơ đã rõ. Thơ của Hàn Mặc Tử là vậy, nó vừa là nó vừa không phải là nó; có đấy nhưng lại là không nhưng không mà lại có. Tài năng thi ca của Tử đã thực sự thức tỉnh lòng người về những cung bậc tình cảm và nhất là về cách thức biểu hiện.

Có thể bạn cho rằng thơ của Tử là những vần thơ được bay trên đôi cánh của những tư tưởng thi ca phương Tây đang từng ngày như ngọn gió lạ thổi bùng lên sinh khí thi nhân bấy giờ; đó là điều không thể phủ nhận, thậm chí Tử chịu ảnh hưởng rất lớn. Nhưng khách quan mà nói, những vần thơ lãng mạn siêu thực của phương tây không dễ dàng đối với việc tiếp nhận của công chúng bấy giờ. Còn nhớ, ngày 10 – 3 – 1932 cuộc bút chiến giữa thơ cũ và thơ mới lãng mạn Việt Nam bắt đầu “khai hoả”, nghĩa là tại thời điểm đó thơ mới lãng mạn mới bắt đầu đi vào cảm quan tiếp nhận của độc giả với cái tôi bản ngã (le moi) đầy lạ lẫm; thì yếu tố lãng mạn siêu thực (cái trên tôi, cái tự thức của bản năng, ngẫu hứng, cái phi logic trong cấu trúc) chỉ là cái thoảng qua, xa vời. Như thế, Hàn Mặc Tử đã khéo léo thể hiện mình bằng những vần thơ trác tuyệt mà ở đó yếu tố (nhấn mạnh- chỉ là yếu tố) sắc – không là bước đi nghệ thuật đặc sắc của tác giả.

Hơn 60 năm kể từ ngày Hàn Mặc Tử ra đi, đọc lại thơ ông ta vẫn thấy biết bao điều còn bỏ ngỏ trong cách hiểu, giải mã, khám phá. Bài viết này chỉ là việc nêu ra một ý tưởng từ việc nhận diện một một số tác phẩm của Hàn Mặc Tử mà thôi.%

H. T. L




5 nhận xét:

  1. Bất chợt con bước lang thang
    Mà mỏi chân quá nên dừng lại đây!
    Hihi
    Cuộc đời sắc sắc không không....
    Chúc chú buổi tối thật bình yên!

    Trả lờiXóa
  2. "Sự thật về bài thơ đã rõ"
    Cái này hơi chủ quan, nhưng đương...(mới gặp mờ) ...
    Ngày mơi sẽ bẻ lại!
    Mà dò mâi chưa ra dịa chỉ của xã hội đen

    Trả lờiXóa
  3. @ PNC, DTQ:
    Cảm ơn PNC và nhà sử học đã chia sẻ, trao đổi!

    Trả lờiXóa
  4. ĐÂY RỒI:
    TIẾN SỸ CHU VĂN SƠN NÓI “THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ – THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG”
    THI SĨ TRẦN MẠNH HẢO PHẢN PHÁO:HAY LÀ CÁI TỘT CÙNG CỦA SỰ TÙY TIỆN ?
    ---------------------------------------
    BÀI ĐÂY:
    “THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ – THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG” – HAY LÀ CÁI TỘT CÙNG CỦA SỰ TÙY TIỆN ?
    Báo “Văn Nghệ” số 47, ngày 20 -11-2004 có đăng bài của tác giả Văn Giá nhan đề : “Thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về Thơ Mới”, nhằm hết lời ca ngợi cuốn tiểu luận : “ Ba đỉnh cao Thơ Mới” của Chu Văn Sơn ( NXB Giáo Dục, 2003). Có thể nói, những lời ca ngợi Chu Văn Sơn của Văn Giá nếu dùng cho Hoài Thanh e còn hơi quá, ví dụ : “…Công trình này tự nó đã có dáng dấp của một lý thuyết nghiên cứu riêng, mặc dù tác giả chưa có ý định lập thuyết. Một công trình nghiên cứu được gọi là hay không chỉ có được những kết quả hay mà còn thể hiện được phương pháp nghiên cứu hay, mới mẻ, thú vị. Công trình này có được những phẩm chất như vậy. Tác giả đã thực sự làm mới lại, trẻ lại những gương mặt thi sĩ cách chúng ta chừng 70 năm…”… “ Người viết đã như gọi được hồn vía của mỗi nhà thơ hiện lên trang giấy…”… “ Chu Văn Sơn đã có một ngôn ngữ phê bình riêng, hiểu theo cả nghĩa rộng như một cách thức tiếp cận riêng, và cả nghĩa hẹp, như một hệ thống từ vựng xác định, mang ấn tín , quyền uy của Chu Văn Sơn”… “ Công trình này mang tính chuyên môn cao”… “Công trình này là một minh chứng thuyết phục cho tính chuyên nghiệp của nghiên cứu phê bình văn học…” … “ Với một tinh thần lao động như thế, chữ nghĩa của tác giả đã làm nên tư tưởng, làm nên dấu ấn riêng trên con đường định hình một phong cách nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn…”…
    Chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát ba phần của cuốn : “ Ba đỉnh cao Thơ Mới” của Chu Văn Sơn ( viết về Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử) xem những lời tụng ca hết cỡ trên của Văn Giá với tác giả này đúng hay sai, xem “tư tưởng”, “phong cách”, “ấn tín” và “quyền uy” của Chu Văn Sơn là những món gì… Phần đầu tiên, chúng tôi muốn bàn với hai ông Chu Văn Sơn và Văn Giá về linh hồn phần viết về Hàn Mặc Tử của Chu Văn Sơn từ trang 226 đến trang 245 trong cuốn sách đã dẫn với tiêu đề : “ THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ – THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG”.
    Trước hết, chúng tôi muốn bàn về khái niệm : “THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ” do Chu Văn Sơn phát minh ra trên cơ sở nhận xét của Chế Lan Viên về “trường thơ Loạn Quy Nhơn” trong lời tựa cho tập “Điêu tàn” như sau : “ Cái gì của nó cũng tột cùng !”. Nghe nói Hàn Mặc Tử có ý định đặt tên cho tập thơ “ Đau thương” là “ Thơ điên”, nhưng rồi thi hào bỏ ý định không chuẩn đó. Có lẽ vì điều này mà Chu Văn Sơn lầm tưởng rằng “Đau thương” là “Thơ điên” nên ông đã điên hoá toàn bộ thơ Hàn chăng? Đồng thời, Chu Văn Sơn còn ngây thơ tách câu văn “ Cái gì của nó cũng tột cùng” của Chế Lan Viên ra khỏi văn cảnh, ngữ cảnh của nó là bài tựa của chính Chế Lan Viên cho tập “Điêu tàn”, để lấy từ “CÁI TỘT CÙNG” này ra làm “mỹ học của cái tột cùng”, “thi học của cái tột cùng”. Chao ôi, “CÁI TỘT CÙNG SỐNG”, tận cùng sống là gì nếu không phải là “CHẾT”. Như vậy, theo công thức của Chu Văn Sơn : Thơ điên Hàn Mặc Tử = Thi học của cái tột cùng, theo phép tam đoạn luận, ta có đẳng thức TỘT CÙNG SỐNG = CHẾT = THƠ ĐIÊN… ư ? Có bao nhiêu sự vật (bao gồm sự vật vật chất và sự vật tinh thần), thì cũng có bấy nhiêu cái tột cùng, có thể kể ra VÔ TẬN CÁI TỘT CÙNG như tột cùng tốt, tột xùng xấu, tột cùng thiện, tột cùng ác, tột cùng chim, tột cùng khỉ, tột cùng tuỳ tiện, tột cùng lăng nhăng…Thành ra theo Chu Văn Sơn, ta có thể có hàng tỉ tỉ chủng loại THI HỌC ư ? Cho nên, khái niệm THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG = THƠ ĐIÊN …là một khái niệm tuỳ tiện, lăng nhăng chẳng hề có cơ sở khoa học gì cả.

    Trả lờiXóa
  5. Lại lỗi.
    Nhờ Thi sĩ xoá hộ phần cuối

    Trả lờiXóa